Trang Chủ > Sức khỏe > Căn bệnh khiến 1/3 dân số mắc bắt nguồn từ thói quen này

Căn bệnh khiến 1/3 dân số mắc bắt nguồn từ thói quen này

Infonet
24/08/2022 08:09:02

Chị Hương Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hai năm nay chị liên tục rơi vào trạng thái mất ngủ. Chị đã tìm mọi cách nhưng tình trạng này không cải thiện là bao. Có hôm, chị cố gắng đọc truyện bằng điện thoại nhưng rồi truyện cuốn quá giật mình nhìn đồng hồ thì đã 3h sáng.

“Tắt điện thoại đi ngủ nhưng rồi mắt tôi trong trong. Vậy là mất ngủ cả đêm. Thức đêm nhiều khiến cho chỉ hơn một năm trở lại đây đầu tôi đã chuyển sang hoa râm dù mới 35 tuổi”, chị Hương Linh than phiền.

Căn bệnh khiến 1/3 dân số mắc bắt nguồn từ thói quen này-1

ảnh minh hoạ

BSCK II Nguyễn Đình Tuấn, Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Medlatec) cho biết, theo thống kê, tỷ lệ người trưởng thành mất ngủ chiếm khoảng 1/3 dân số, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

Tuy nhiên, theo BS Tuấn không phải ai mắc Covid-19 cũng mất ngủ và ai mất ngủ cũng là do ảnh hưởng dịch bệnh. Theo đó, mất ngủ xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những thói quen sinh hoạt hàng ngày mà rất nhiều người mắc phải.

Ngủ đủ giấc không chỉ củng cố, duy trì và tăng cường trí nhớ, mà còn giúp “sạc” đầy năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số người bị rơi vào tình trạng mất ngủ đang ngày càng gia tăng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, sức khỏe và cả công việc, học tập.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Tuấn nhận thấy tình trạng mất ngủ của người dân thường do những thói quen thường làm mỗi ngày khiến cho tình trạng mất ngủ ngày một gia tăng.

Đầu tiên là thói quen xem điện thoại trước khi đi ngủ. Nhiều người cho rằng đọc báo, xem phim trên điện thoại để mắt mỏi giúp dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, BS Tuấn cảnh báo “đây là thói quen vô cùng tai hại”.

“Ngoài việc khó vào giấc ngủ thì nó còn để lại nhiều hệ lụy với sức khỏe. Cụ thể ánh sánh xanh từ thiết bị điện tử có thể dẫn đến rất mỏi mắt, đây là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân không thể ngủ ngay được sau khi dùng điện thoại xong.

Ánh sáng xanh còn tác động đến đồng tử, làm giảm tần số chớp mắt và đó là nguyên nhân gây nên tình trạng khô mắt.

Ngoài vấn đề trên, nhiều người thường hay xem phim trên tivi, máy tính thậm chí là xem các bộ phim kinh dị. Điều này không mang lại hiệu quả cho giấc ngủ. Bởi xem xong những bộ phim đó, không chỉ khiến tình trạng mất ngủ trầm trọng, mà nó còn gây ám ảnh bởi những cảnh trong phim. Thực chất, đây là hình thức bạo lực tinh thần, khiến tinh thần bị ám ảnh, khi ngủ không ngon giấc”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Bổ sung thêm, Ths. BS Hoàng Đình Hữu Hạnh – Đơn vị điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, qua tiếp nhận các bệnh nhân mất ngủ đến khám tại viện cho thấy, có đến 99% trường hợp mất ngủ, ngủ không sâu giấc liên quan đến thói quen lướt điện thoại trước khi ngủ.

Đáng chú ý, rất nhiều người trong đó có cả trẻ nhỏ, người cao tuổi họ quên cả giờ ngủ, giấc ngủ vì những thứ hấp dẫn trên điện thoại. Đều này nếu trở thành thói quen, tồn tại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Một thói quen khác khiến cho tình trạng mất ngủ gia tăng được bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn cảnh báo đó là người bệnh tìm đến thuốc ngủ khi mất ngủ. Đây là vấn đề nguy hiểm, bởi nó sẽ khiến cơ thể lệ thuộc vào thuốc. Có thể trong lần đầu sử dụng sẽ người bệnh đi vào giấc ngủ dễ hơn.

Tuy nhiên, những lần sau đó thì việc sử dụng thuốc sẽ gia tăng, hoặc không có thuốc không thể ngủ được. Do vậy, người bệnh chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.

Thậm chí nhiều người lại cho rằng cần vận động thật mạnh trước để cơ thể mệt nhoài và dễ chìm sâu vào giấc ngủ. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn cho biết, tập luyện thể dục là rất tốt, tuy nhiên vào buổi tối không nên thực hiện ngay sát giờ đi ngủ, càng không nên tập các bài tập nặng.

Duy trì thói quen tập thật nặng, xong tắm và đi ngủ là cực kỳ phản khoa học. Bởi theo bác sĩ Tuấn vận động căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến cho giấc ngủ không sâu giấc, ngoài ra tắm ngay sau khi thể dục, rồi đi ngủ ngay dễ bị nhiễm lạnh, thậm chí với những người có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp còn dễ dẫn đến nguy cơ tắc mạch máu, đột quỵ. Do vậy, buổi tối chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ thả lỏng và nên nghỉ trước khi đi ngủ ít nhất 1 tiếng.

Hay một thói quen khác nhiều người tưởng giúp ngủ sâu những thực ra lại không hẳn như vậy. Đó là khi không ít người hiểu xem điện thoại trước khi ngủ hại mắt nên chọn cách đọc sách để có giấc ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, BS Tuấn cho rằng quá trình này phải được thực hiện khoa học và đúng cách. Theo đó, đọc sách phải đủ ánh sáng, tư thế ngồi đọc phải chuẩn, nên đọc sách tâm lý, tiểu thuyết là tốt nhất.

Không nên đọc những truyện kinh dị, kiếm hiệp hoặc nằm đọc sách để mỏi mắt ngủ luôn. Đây là thói quen xấu, không tốt cho giấc ngủ nói chung, mà nó còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác, trong đó có xương khớp, mắt.

Để có được giấc ngủ sâu, bác sĩ Đình Tuấn chỉ ra những việc cần làm:

- Ngủ đúng giờ, tốt nhất là 21-22 giờ. Với những người do đặc thù công việc, tốt nhất nên chọn một giờ cố định để bắt đầu vào giấc ngủ.

- Giấc ngủ trưa chỉ nên ngủ từ 15-30 phút. Bởi ngủ quá nhiều buổi tối sẽ mất ngủ, hơn nữa ngủ trưa quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

- Không dùng điện thoại di động, thiết bị có ánh sáng xanh khi ngủ.

- Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói vào buổi tối.

- Không sử dụng rượu bia, chất kích thích trước khi đi ngủ.

- Nên thể dục nhẹ trước 1 tiếng khi đi ngủ

- Phòng ngủ cần yên tĩnh, chăn gối đệm sạch sẽ. Không để phòng ngủ có yếu tố gây mùi như nước hoa, nến sáp. Có thể để được tinh dầu như xả, nhưng không nên cho mùi quá đậm đặc.

- Cần có tinh thần lạc quan, không đem những vấn đề cuộc sống vào giấc ngủ của mình.

- Tốt nhất nên tắt đèn ngủ để giấc ngủ sâu hơn. Gia đình có trẻ nhỏ, người già có thể dùng đèn ngủ để tránh trượt ngã, nhưng cho cường độ ánh sáng nhẹ, dùng đèn có ánh sáng vàng.

N. Huyền