Gần đây, tôi bị ho ra máu, sốt và thấy có thở. Người nhà nghi ngờ tôi mắc bệnh lao. Xin hỏi bệnh này có những dấu hiệu nào?
TS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường Hô hấp và Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Lao là một trong số 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Năm 2019, WHO ước tính Việt nam có khoảng 170.000 người mắc bệnh lao, tỷ lệ mắc bệnh lao là 176/100.000 dân. Trên 80% bệnh nhân mắc bệnh lao là do cơ chế tái hoạt động nội lai, có nghĩa phát triển từ lao tiềm ẩn từ trước.
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả bộ phận của cơ thể. Trong đó, lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80-85%). Đây là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Người bệnh có các dấu hiệu của bệnh lao như ho, khạc đờm, ho ra máu, sốt, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, sụt cân... và có xét nghiệm tìm thấy bằng chứng vi khuẩn lao (qua nhuộm soi, nuôi cấy, các kỹ thuật sinh học phân tử như Hain test, Xpert- MTB/RIF) hoặc có bằng chứng mô bệnh học của bệnh lao.
Theo mô tả, bạn đang có một số dấu hiệu của bệnh nên cần đi kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ngoài bệnh lao (lao hoạt động), lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB), nhưng không có dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng cho thấy chúng hoạt động.
Người nhiễm lao có vi khuẩn lao tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động, không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch. Vi khuẩn lao có thể tái hoạt động sau này khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm.
Chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa vào kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm lao thông qua một trong 2 phản ứng: Phản ứng test da (Mantoux - TST) hoặc định lượng Interferon gamma dương tính (IGRA - Interferon - Gamma Release Assay), đồng thời phải loại trừ được lao hoạt động.
Nguy cơ chuyển từ lao tiềm ẩn sang lao hoạt động ở người khỏe mạnh có hệ thống miễn dịch bình thường là khoảng 10% trong suốt cuộc đời.
Nguy cơ chuyển từ lao tiềm ẩn sang lao hoạt động tăng lên rất nhiều, khoảng 10% trong một năm, ở những người có yếu tố nguy cơ cao sau:
- Người nhiễm HIV mọi lứa tuổi.
- Bệnh nhân bụi phổi.
- Bệnh nhân đái tháo đường.
- Bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo.
- Bệnh nhân cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng.
- Bệnh nhân điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (lupus, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, hội chứng thận hư…).
- Bệnh nhân điều trị thuốc sinh học (anti-TNF).