Khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, nhiễm trùng sơ sinh bao gồm những bệnh lý nhiễm trùng có thể mắc phải trước sinh, trong sinh và sau sinh (28 ngày), trong đó có nhiễm trùng rốn sơ sinh.
Trong bụng mẹ, rốn là đường liên kết “máu thịt” trực tiếp với mẹ, nơi mẹ cho con phần dưỡng chất, dưỡng khí quý giá, giúp bé thành hình, lớn lên. Sau sinh khoảng 15 ngày rất quan trọng. Bởi vì, khi con đường “máu thịt” này chưa được bít hoàn toàn, các vi trùng rất dễ lợi dụng để đi theo vào cơ thể bé, gây nhiễm trùng rốn, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng động mạch rốn, huyết khối tĩnh mạch cửa, áp xe gan, viêm phúc mạc, hoại tử ruột, viêm cân cơ thành bụng...
Biểu hiện của nhiễm trùng rốn là tình trạng nhiễm trùng các mô xung quanh rốn với đặc trưng như chảy mủ rốn, sưng đỏ, đau vùng rốn.
Nhiễm trùng rốn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng động mạch rốn, huyết khối tĩnh mạch cửa, áp xe gan, viêm phúc mạc, hoại tử ruột, viêm cân cơ thành bụng...có thể dẫn đến tử vong.
Ngay sau sinh, rốn bé sẽ được cắt và kẹp chặt cách chân rốn khoảng 2 -3 cm. Lúc mới sinh, rốn bé màu trắng sau đó chuyển sang vàng bóng, dần dần teo lại và chuyển sang màu nâu sậm hoặc xanh đen, rụng trong khoảng 1-2 tuần sau sinh và liền khoảng 12-15 ngày sau sinh.
Ngay khi rốn rụng, có thể có một vài dây máu vươn ra, chân rốn hơi ẩm, không có mủ, không có mùi hôi lạ, không tấy đỏ đó là hiện tượng bình thường. Nhưng nên cho trẻ đến trung tâm y tế kiểm tra nếu: rốn rỉ máu hay rốn rỉ dịch nhiều, kéo dài; rốn rỉ dịch mủ; rốn có mùi hôi, sưng đỏ vùng rốn, da xung quanh; rốn có chồi hạt, không rụng rốn trên 1 tháng... hoặc bất cứ bất thường nào khác.
Cũng theo các bác sĩ, vệ sinh rốn ngày 1-2 lần sau khi tắm và ngay sau khi rốn bé bị dính bẩn; Rửa tay sạch trước khi chăm sóc rốn;
Tránh các tình huống chà xát rốn vì dễ gây tổn thương và nhiễm trùng vùng rốn (thay áo có nút cài phía trước bằng nút cài bên); gấp mép tả xuống phía dưới vùng rốn, nhưng không quá thấp tránh tình trạng ngấm phân, nước tiểu lên cuống rốn cũng như cọ xát nhiều vùng rốn...;
Không đắp bất kỳ thứ gì lên chân rốn, kể cả kháng sinh, thuốc đỏ...;
Tránh đụng vào cuống rốn trẻ khi không cần thiết; Không băng rốn quá chật hoặc quá kín; Không giật cuống rốn hay tự ý cắt bỏ cuống rốn khi chưa rụng.
Đồng thời, người vệ sinh rốn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng.
Lộ vùng rốn và da xung quanh, quan sát rốn và vùng da xung quanh xem có dấu hiệu gì bất thường không?, rửa tay hoặc sát trùng tay lại bằng cồn 70 độ, dùng que gòn tẩm nước muối sinh lý vệ sinh theo trình tự: chân rốn, thân cuống rốn, mặt cắt cuống rốn, da vùng xung quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng khoảng 5 cm, thay que gòn khác cho mỗi lần sát trùng.
Sau 2 ngày tuổi thì không cần phải băng rốn lại, sau khi chăm sóc rốn để rốn khô, có thể băng bằng gạc mỏng nếu rốn còn ướt.