Trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ du lịch của huyện đảo Cô Tô đạt trên 405 tỷ đồng. Ảnh TTXVN phát
Các đảo ở đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho bờ biển dài cùng bãi cát trắng mịn, phong cảnh đẹp, không khí mát mẻ… Tính đến trung tuần tháng 7/2022, địa phương này đã đón trên 162.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 405 tỷ đồng.
Chị Phan Yến Lợi, du khách đến từ Nghệ An háo hức chia sẻ, lần đầu tiên, chị đến Cô Tô. Lúc đầu tìm hiểu phải di chuyển từ thành phố Hạ Long xuống cảng Cái Rồng (Vân Đồn) sau đó đi tàu ra đảo, chị có chút lo lắng. Tuy nhiên, khi tàu khởi hành, những lo lắng ban đầu đã tan biến. Trong suốt chuyến đi, chị được ngắm các hòn đảo, không bị say sóng vì đi tàu cao tốc khá êm. Khi đặt chân đến Cô Tô và những điểm đến sau đó như bãi tắm Vàn Chảy, cầu gỗ ở cảng Bắc Vạn, bãi biển tình yêu…đặc biệt là được đến tham quan khu tưởng niệm Bác Hồ, chị rất ấn tượng.
Khu vực Khu lưu niệm Bác Hồ tại đảo Cô Tô được du khách lựa chọn để đánh dấu khi đến với huyện đảo này.
Đến Cô Tô, du khách được trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên tại rừng nguyên sinh Bắc Vàn, Hồng Vàn, Vàn Chảy tại xã Đồng Tiến, đảo Cô Tô con xã Thanh Lân; du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng chài truyền thống; trải nghiệm, khám phá "Một ngày làm ngư dân", "Hành trình vì biển đảo quê hương"…
Với chị Lê Thu Hương, du khách đến từ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), không khí ở Cô Tô rất trong lành, ít khói, bụi. Gia đình chị di chuyển đến các điểm đều bằng xe điện… không bị tiếng ồn hay tắc đường làm ảnh hưởng. Đây là lần thứ 3, gia đình chị chọn Cô Tô là điểm đến nghỉ ngơi trong dịp hè. Mỗi lần đến, gia đình chị đều cảm nhận được sự đổi mới về phong cách và các sản phẩm du lịch ở đây.
Du khách trải nghiệm dịch vụ mô tô nước tại 1 số bãi biển của đảo Cô Tô.
Thế mạnh du lịch Cô Tô được thể hiện qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Anh Điệp Quốc Kiên, chủ homestay Anh Kiệt, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô phấn khởi, từ sau khi du lịch phục hồi, cơ sở của anh luôn hoạt động hết công suất phòng. So với thời điểm trước dịch, lượng khách còn tăng mạnh hơn. Nếu như trước đây chỉ cao điểm các tháng 5,6,7, năm nay từ tháng 4 đến tháng 8 đã có khách đặt phòng trước. Để du khách có chuyến du lịch trọn vẹn, homestay của gia đình anh Kiên kèm thêm dịch vụ xe điện và hướng dẫn viên miễn phí.
Mặc dù là điểm đến hấp dẫn, huyện đảo này cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó phải nói đến việc di chuyển từ đất liền ra đảo của du khách. Nền kinh tế trên đảo đã có sự phát triển đáng kể nhưng còn ở trình độ thấp, mất cân đối trên nhiều mặt, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến khả năng chưa đảm bảo cung cấp đủ các điều kiện cho phát triển du lịch. Lao động trình độ cao trong lĩnh vực du lịch chưa nhiều. Cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu để khai thác, phát huy và phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch chưa phong phú… cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Mặt khác, thị trường khách du lịch chưa bền vững, vẫn trong trạng thái "chờ" khách đến.
Du khách thích thú check in tại bãi biển Vàn Chảy của huyện Cô Tô.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch song còn thiếu chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ của người làm du lịch còn hạn chế... đặc biệt còn thiếu những nhà đầu tư lớn để tạo ra diện mạo mới cho huyện đảo này.
Theo một số du khách, hiện nay, các điểm đến, danh thắng trên địa bàn huyện Cô Tô đã được ghi điểm bằng chính sự hoang sơ, tài nguyên vốn có. Tuy nhiên, một số dịch vụ cần được nâng cao và giá các dịch vụ cần hợp lý hơn, ví dụ như dịch vụ thuyền chuối, hay mô tô nước ở một số bãi tắm Vàn Chảy, Hồng Vàn, Cô Tô. Với hình thức có người lái, phí 350.000/lượt; tự lái là 400.000 đồng/lượt đối với mô tô nước; với thuyền chuối vé 100.000 đồng/ người/ lượt, cho khoảng trên 3 phút trải nghiệm với 1 dịch vụ là khá cao.
Hiện nay, việc ra đảo Cô Tô rất thuận tiện do có nhiều tàu cao tốc, an toàn cho du khách.
Để tạo bứt phá cho du lịch Cô Tô, xây dựng thương hiệu "thiên đường nghỉ dưỡng, sinh thái biển đảo mới ở Việt Nam’’, UBND huyện Cô Tô hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, điển hình, đẳng cấp, hình thức thể hiện khác biệt; trải nghiệm đối với các hoạt động du lịch dựa trên các giá trị tài nguyên đặc sắc của địa phương kết hợp với ứng dụng công nghệ; đồng thời tạo ra sự đan xen, kết hợp giữa các loại hình gắn với thiên nhiên, trải nghiệm đa màu sắc.
Huyện nâng cao khả năng tiếp cập, kết nối của đảo đối với các trung tâm du lịch khác thông qua việc tăng cường cải thiện chất lượng và phát triển hệ thống giao thông đường biển, đường hàng không có xem xét đến sức chứa, khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương và phân khúc thị trường cao cấp để níu chân du khách lưu trú tại Cô Tô dài ngày hơn.