Kiệt sức: Theo Healthline, mệt mỏi bất thường, kiệt sức là triệu chứng phổ biến khi cơ thể bị thiếu sắt. Tình trạng mệt mỏi này xảy ra do cơ thể thiếu chất sắt cần thiết để tạo ra hemoglobin, loại protein giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi không có đủ hemoglobin, lượng oxy đến các mô và cơ sẽ ít hơn, làm chúng mất năng lượng. Điều này có thể khiến bạn mệt mỏi. Mệt mỏi liên quan thiếu sắt có thể đi đôi với suy nhược, cáu kỉnh hoặc khó tập trung. Ảnh: Businessinsider.
Yếu cơ: Nếu không có đủ oxy để hoạt động, các cơ trong cơ thể có thể bị yếu đi. Điều này khiến bạn cảm thấy khó khăn khi thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng so với khi mức hemoglobin bình thường. Khoa học chứng minh việc bổ sung sắt ở các vận động viên thiếu sắt cải thiện đáng kể sức bền và hiệu suất thể chất tổng thể. Ảnh: Solacesleep.
Da nhợt nhạt hơn bình thường: Theo tạp chí Self, hemoglobin trong tế bào hồng cầu làm cho máu có màu đỏ. Vì vậy, nồng độ hemoglobin thấp do thiếu sắt khiến máu ít có màu đỏ hơn. Đó là lý do làn da có thể giảm màu sắc hoặc độ ấm ở những người thiếu sắt. Màu da xanh xao thường là một trong những điều đầu tiên mà bác sĩ xem xét như dấu hiệu của thiếu sắt. Thiếu máu cũng biểu hiện ở phần mí mắt dưới có màu hồng nhạt hoặc vàng. Ở những người có tông màu da sẫm hơn, mí mắt có thể là khu vực duy nhất để phát hiện tình trạng thiếu sắt. Ảnh: Bebeautiful.
Đau đầu dai dẳng: Theo Tổ chức Đau đầu Quốc gia Mỹ, thiếu sắt có thể gây đau đầu, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi cơ thể thiếu sắt, não bộ nhận được ít oxy hơn, khiến bạn bị đau đầu. Các động mạch trong não bắt đầu sưng lên, gây đau đớn. Ngoài đau đầu, thiếu sắt còn gây chóng mặt, hoa mắt. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu, tình trạng này xuất hiện và tái phát thường xuyên có thể là triệu chứng của thiếu sắt. Ảnh: Indiatimes.
Kinh nguyệt ra nhiều ở phụ nữ: Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Thiếu sắt có thể gây mất máu nhiều, làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt của cơ thể. Phụ nữ bị thiếu máu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là lý do phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều thường được kiểm tra xem có bị thiếu máu do thiếu sắt hay không. Ảnh: Laurenrubal.
Nhịp tim không đều: Nhịp tim bất thường hoặc đánh trống ngực (nhịp tim nhanh) ở ngực, cổ và họng có thể là dấu hiệu thiếu sắt. Đôi khi, bạn có cảm giác như tim ngừng đập, nhưng nó chỉ kéo dài vài giây. Chúng xảy ra khi tim phải làm việc gấp đôi để oxy được lưu thông. Thiếu sắt càng khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn, thậm chí làm trầm trọng thêm các tình trạng ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn suy tim và bệnh tim mạch vành. Ảnh: Healthcentral.
Chán ăn: Tình trạng kém ăn rất phổ biến ở những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt. Nghiên cứu cho thấy điều này là do ảnh hưởng của sắt đối với hormone điều hòa sự thèm ăn ghrelin và leptin. Đặc biệt, trẻ em có nhiều nguy cơ bị thiếu sắt vì lượng sắt cần thiết của chúng thường không được đáp ứng đủ bằng thực phẩm. Ảnh: Iccc.
Loét miệng: Đôi khi, các vấn đề ở miệng cũng có thể cảnh báo bạn có bị thiếu máu do thiếu sắt. Các dấu hiệu bao gồm sưng, viêm, nhợt nhạt hoặc lưỡi trơn nhẵn lạ thường, khô miệng, cảm giác nóng bỏng trong miệng, vết nứt đỏ ở khóe miệng, loét miệng. Bạn cũng có thể cảm thấy đau đớn và khó khăn khi ăn uống. Ảnh: Enaco.
Trầm cảm: Thiếu sắt cũng liên quan đến nguy cơ làm tăng trầm cảm ở người lớn, đặc biệt phụ nữ mang thai. Nghiên cứu về chứng trầm cảm của phụ nữ trong thai kỳ cho thấy thiếu sắt làm tăng mức độ trầm cảm cao hơn trong thời kỳ mang thai và có thể là yếu tố quan trọng cảnh báo nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Ảnh: Pregistry.
Thiếu thịt đỏ: Nếu theo chế độ ăn chay không thịt, bạn sẽ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn, do cơ thể chúng ta hấp thụ sắt heme (có từ thịt) tốt gấp 2-3 lần hơn sắt không heme (có trong rau xanh và các loại đậu). Nếu không thích ăn cá hoặc thịt, bạn hãy ăn nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C như quả mọng, cam quýt, bông cải xanh và ớt chuông. Ảnh: Healthyfoodguide.