Trang Chủ > Du lịch > Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Phát triển kinh tế đêm cần có định hướng, tránh tràn lan

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Phát triển kinh tế đêm cần có định hướng, tránh tràn lan

Hà Nội Mới
04/07/2022 02:52:37

(HNMCT) - Đã từng có quãng thời gian Hà Nội được coi là “trạm trung chuyển” khách du lịch. Buổi tối, các hoạt động du lịch hết sức èo uột, khó giữ chân khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, khiến kinh tế đêm trên địa bàn thành phố từng bước được “thắp sáng”... Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đã chia sẻ giải pháp để kinh tế đêm Thủ đô có thể “bứt tốc”.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Phát triển kinh tế đêm cần có định hướng, tránh tràn lan-1

- Đến thời điểm này, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kinh tế đêm. Bà đánh giá thế nào về các hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn?

- Các hoạt động kinh tế đêm hiện nay chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch. Khái niệm kinh tế đêm là khái niệm mới. Song thực tế, kinh tế đêm là một phần tất yếu của nền kinh tế mà chúng ta đã khai thác từ trước đó. Điển hình là từ ngày 1-9-2016, UBND thành phố đã tổ chức thí điểm Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đồng thời có chủ trương cho UNBD quận Hoàn Kiếm thí điểm mở cửa các điểm kinh doanh nhà hàng, quán bar thuộc địa bàn quận có đủ điều kiện và đăng ký theo quy định được hoạt động sau 24h đến 2h sáng. Các hoạt động này đã góp phần giúp kinh tế quận Hoàn Kiếm tăng tốc mạnh mẽ.

Ngoài sản phẩm trên, trước thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, kinh tế ban đêm trên địa bàn Hà Nội chủ yếu tập trung tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm. Sau 19h, tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Chiếu... trở nên đông đúc, náo nhiệt, đặc biệt vào cuối tuần. Dễ nhận thấy, người dân đổ về khu vực này không chỉ có các du khách nước ngoài, mà còn là người dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, siêu thị tiện ích, khách sạn, massage, bar, karaoke..., và các loại hình kinh doanh ăn theo khác như taxi, xích lô, ca múa nhạc trên phố đi bộ...

Đặc biệt, việc một lượng lớn du khách tập trung về khu phố cổ đã tạo cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động, tăng thu nhập cho tiểu thương. Từ thực tế này, thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Khi dịch Covid-19 được khống chế, hàng loạt sản phẩm đã ra đời, hoặc được đưa vào khai thác như tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò hay các tuyến phố đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)... Các sản phẩm du lịch này đều thu hút khá đông du khách.

- Sở Du lịch đã làm gì để hỗ trợ các địa phương, các điểm đến và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong hoạt động phát triển kinh tế đêm?

- Với vai trò cơ quan nhà nước quản lý du lịch, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 3928/QĐ-UBND ngày 13-8-2021). Sở cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 63/KH-SDL ngày 11-5-2021 về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các sản phẩm cụ thể, Sở Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch nội địa như tour du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian... Sở cũng có nhiều hoạt động để quảng bá du lịch đêm nhằm hỗ trợ các đơn vị tổ chức hoạt động kinh tế đêm.

- Mặc dù bước đầu thu hút khách nhưng theo bà, những sản phẩm du lịch liên quan tới kinh tế đêm của Hà Nội hiện còn những hạn chế gì?

- Hoạt động kinh tế đêm cũng có những mặt trái nhất định. Chẳng hạn, việc kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng là thời điểm dễ phát sinh tệ nạn xã hội như say rượu, gây rối trật tự công cộng, một số đối tượng hình sự, ma túy lợi dụng để hoạt động trộm cắp, sử dụng trái phép chất ma túy, bóng cười... Một số cơ sở kinh doanh nhà hàng, cà phê có sử dụng âm nhạc mở âm thanh công suất lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực xung quanh. Một số cơ sở lợi dụng việc tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng tiếp tục thực hiện kinh doanh quá giờ quy định vào những ngày khác trong tuần (từ thứ hai đến thứ năm). Mặt khác, một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy...

Sản phẩm du lịch tham gia vào lĩnh vực kinh tế đêm hiện chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, chưa có sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu..., các sản phẩm du lịch đêm còn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Đây là những vấn đề Hà Nội cần khắc phục trong thời gian tới.

- Do sự mới mẻ nên nhiều người cho rằng chúng ta còn thiếu chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đêm. Vậy chúng ta cần “gỡ” về cơ chế như thế nào để kinh tế đêm phát triển?

- Các hoạt động “kinh tế ban đêm” đơn thuần bao gồm: Ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa buổi tối... Khu vực “kinh tế đêm” đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội; tạo giá trị thặng dư và góp phần thu hút ngoại tệ. Mặc dù hiện diện từ lâu nhưng chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này.

Chúng tôi cho rằng, trước mắt cần tiếp tục thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở những khu vực có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; hình thành các không gian nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm như: Tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa với nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); Tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco (quận Hoàng Mai); Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình)... Tuy nhiên, chúng ta không nên phát triển tràn lan mà cần có định hướng phát triển tại các địa bàn có nhu cầu và địa bàn du lịch, nhằm tránh ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Về lâu dài, chúng ta cần quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...). Đồng thời, phải ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý. Các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh về đêm. Thành phố cũng cần quy định điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm.

- Trân trọng cảm ơn bà!