Rừng không phụ người có lòng
Đọc “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, dễ dàng nhận thấy sản vật trù phú tưởng chừng vô tận của rừng U Minh Hạ, với cá đồng, rùa, rắn, ong mật.... Thế nhưng, trải qua chiến tranh và con người khai phá, những sản vật đó đang dần ít đi, có lúc chúng tưởng như không còn trong tự nhiên.
Xương cá sấu ước nặng hơn 300kg, đào được ở con lung cổ đổ ra biển.
Nhưng với những người nông dân yêu rừng, quyết tâm tái tạo những sản vật của rừng, để chúng phát triển trong tự nhiên thì rừng lại bao bọc người nông dân như quy luật nhân quả của đất trời. Cứ thế, U Minh Hạ đã nuôi sống gia đình họ, thậm chí, giúp họ làm giàu. Gia đình ông Phạm Văn Ngọt (Mười Ngọt) ở ấp 4 xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là một trong số đó.
Đặt trúm lươn trong rừng U Minh Hạ.
Khu vực đất rừng sản xuất của gia đình ông Mười Ngọt thuộc vùng đệm rừng U Minh Hạ. Trên diện tích 66ha trồng cây tràm nước, ông Mười Ngọt khai thác theo kiểu cuốn chiếu hàng năm. Năm nay thu hoạch vài héc-ta, năm sau khai thác ở lô khác. Với giá thị trường hiện nay lên đến gần 50.000 đồng/cây dài 5m, một héc-ta rừng tràm ông Mười Ngọt sẽ thu vài trăm triệu đồng là không khó.
Tràm 5 năm tuổi của gia đình ông Mười Ngọt đang khai thác
Đây là loại nguyên liệu dùng để đóng cừ móng, nền cho các công trình xây dựng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay, nên rừng của ông không đủ bán vì có độ bền vài chục năm.
Sản vật dưới tán rừng tràm.
Nhiều năm trước, sản lượng cá, lươn, rắn rùa, chim chóc có hạn, khi nhiều người cùng khai thác. Cha con ông Mười Ngọt đã thu gom cá, rắn con về đổ trong rừng của gia đình cho chúng sinh sản tái tạo. Thậm chí, đi gom mua trứng chim rừng như: Le le, trích cồ, cò trắng, cò ngà, diệc mốc... về ấp, sau đó, gom mua vài trăm con khác mà người dân đánh bắt để thả về rừng. Dần dần, nguồn cá, chim rắn ngày càng tăng và sinh sôi nhiều trong tự nhiên như bây giờ.
Bữa cơm đãi khách của gia đình ông Mười Ngọt làm từ nguyên liệu sẵn có: Lươn, cá đồng, rau rừng, ong non...
“Một năm kiếm trăm tấn cá đồng là chuyện nhỏ, thêm vài nghìn lít mật ong rừng tràm nguyên chất, chưa kể lươn, rắn, rùa, chim chóc....”, khi được hỏi về thu hoạch sản vật trên đất rừng của gia đình, cha con ông Mười Ngọt đều trả lời như vậy.
Theo chân anh Phạm Văn Khanh, con trai thứ của ông Mười Ngọt đi đổ trúm lươn buổi sáng. Với 30 ống trúm đặt từ tối qua, đã thu được hơn 10kg lươn rừng, có nhiều con nặng đến hơn 1kg, mới thấy thiên nhiên đã không phụ người có lòng.
Con trai anh Phạm Văn Khanh mới 10 tuổi nhưng đã cùng cha vào rừng đặt lươn bắt cá.
Ông Mười Ngọt kể, mấy mươi năm trước, từ huyện Cái Nước phiêu dạt đến đây làm thuê, khổ quá phải giăng lưới bắt cá đổi gạo nuôi con. Chắt chiu nhịn đói chịu khổ, ông Mười Ngọt vay mượn người thân mua một mảnh rừng nhỏ, đặt lờ bắt cá, gác kèo ong. Tích cóp bao nhiêu tiền từ sản vật của rừng, ông gom góp dành dụm rồi vay mượn thêm để mua đất, trồng rừng giữ cá. Dành dụm tích góp tiếp, ông mua đất ruộng để trồng thêm rừng. Tiếp tục tái tạo sản vật, bám rừng, bám nghề mấy mươi năm qua, rừng U Minh Hạ đã tạo cơ ngơi cho ông như bây giờ.
Cha truyền con nối đam mê giữ rừng
Đam mê rừng của cha con ông Mười Ngọt ngoài con cá, cây tràm còn là nghề gác kèo ong. Ông dự tính khi bước vào mùa khô 2023 (nhất là dịp Tết Nguyên đán) với những cánh rừng tràm tươi tốt như vậy, gia đình ông thu hoạch không dưới vài nghìn lít mật ong rừng.
Hiện nay, nhu cầu thị trường tiêu thụ đối với mật ong rừng U Minh Hạ nguyên chất ngày càng tăng, mặc dù giá không hề rẻ, từ 400.000 - 600.000 đồng/lít nhưng gia đình vẫn không đủ bán. Chỉ vào đống 2.000 cây kèo chuẩn bị đem vào rừng gác để ong mật tự nhiên làm tổ, anh Khanh nói năm sau có tiền tỷ là nhờ đống cây này.
Anh Khanh chuẩn bị vào rừng gác kèo để ong làm tổ.
Bám rừng, được rừng nuôi dưỡng, 3 đứa con ông Mười Ngọt lớn dần rồi thấm máu mê rừng như ông. Đứa cháu nội mới 10 tuổi, nhưng đã thành thạo đặt trúm, đặt lờ đặt lợp, giăng lưới phụ ông bắt cá bán cho thương lái.
Cháu nội 10 tuổi của ông Khanh bơi xuồng đưa du khách tham quan.
Ai cũng mê rừng, vậy là cha con ông lại cùng nhau mở khu du lịch sinh thái Mười Ngọt, với hy vọng quảng bá U Minh Hạ tới bà con gần xa, vừa kiếm thêm nguồn kinh phí tái tạo lại cho rừng.
Ba thế hệ nhà ông Mười Ngọt đều đam mê bảo tồn sản vật rừng.
Anh Phạm Văn Khanh cho biết, năm nay sẽ mở con đường và xây dựng bãi đỗ xe để đón khách. Xây dựng hàng rào kèm điện lưới cho diện tích 66ha của khu du lịch nhằm bảo vệ nguồn cá đồng, không để thất thoát. Tự ươm giống cá trê, cá rô, cá bổi, lươn, các loại rắn bản địa tại chỗ trên 4ha rừng. 10ha khác trồng lúa để dưỡng cá, rắn theo kiểu tự nhiên trước khi cho chúng về môi trường rừng sinh sôi nảy nở.
Sản vật U Minh Hạ rất nhiều, nhưng không là vô tận.
Rừng U Minh Hạ vốn nổi tiếng về sản vật, nếu vắng thì không ai nhớ đến nữa. Có U Minh Hạ, mà gia đình ông Mười Ngọt mới đổi đời. Nên con cháu của gia đình vẫn sẽ tiếp tục bám rừng, bảo vệ và tái tạo rừng cho U Minh Hạ.
Điểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt nằm ở ven vùng lõi rừng U Minh Hạ, Cà Mau.
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, du lịch Mười Ngọt là điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau. Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt nằm ở ấp 4 xã, Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Nơi đây thường tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng mang tính chất dân dã, đem đến cho khách du lịch nhiều cảm giác khác nhau từ mạo hiểm, khám phá không gian bao la của rừng U Minh Hạ.
"Đây là điểm du lịch được nhiều du khách chọn là điểm đến vì đã bảo tồn nguyên vẹn và khai thác tốt những sản vật vốn có đặc trưng của rừng U Minh Hạ. Về nơi đây, du khách sẽ có cảm giác như được lạc bước vào tác phẩm "Đất rừng Phương Nam"" - ông Trần Hiếu Hùng nói thêm.