Cây cầu gỗ có mái che gần nghìn năm tuổi đã bị thiêu rụi trong đêm sau khi đám cháy nhỏ lan ra toàn bộ chiều dài của thân cầu.
Tối 6/8, một đám cháy bùng lên trên cầu Vạn An (huyện Bình Nam, Ninh Đức, Phúc Kiến, Trung Quốc) rồi lan ra, thiêu rụi toàn bộ phần mái và thân cầu bằng gỗ. Chỉ trong 20 phút, toàn bộ chiều dài của cầu chìm trong lửa.
Bản tin của đài CCTV cho hay, cây cầu đã bị cháy trong đêm, song không có thương vong về người.
Chỉ trong 20 phút, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ chiều dài cây cầu (Ảnh: Sohu).
Trả lời báo chí, đại diện của chính quyền địa phương nơi có cầu Vạn An tọa lạc cho hay: "Phần thân cầu bị cháy tương đối lớn". Phía công an đang vào cuộc để điều tra vụ việc.
Ngọn lửa lan quá nhanh đã thiêu rụi phần lớn phần thân cầu (Ảnh: Sohu).
Cầu Vạn An có lịch sử 900 năm tuổi, được xây dựng vào thời Bắc Tống, bị đốt cháy vào năm Khang Hy thứ 40 và được xây dựng lại vào năm Càn Long thứ 7 (1742). Sau đó, cầu trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu khác nhau và vẫn giữ được nét cổ kính đồng thời phục vụ người dân trong vùng qua lại. Cầu có mái và thân bằng gỗ đặt trên các trụ cầu bằng gạch.
Do phần mái và vòm phía dưới làm bằng gỗ nên lửa lan rất nhanh (Ảnh: Sohu).
Cho đến nay, Vạn An là cây cầu bằng gỗ có mái che dài nhất ở Trung Quốc còn tồn tại. Cây cầu này được xếp hạng di tích văn hóa cấp huyện năm 1990, sau đó được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh của Phúc Kiến năm 1991. Năm 2006, cầu Vạn An được xếp vào danh sách các công trình di tích văn hóa được bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia ở Trung Quốc.
Hình ảnh cây cầu khi chưa bị cháy với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng xung quanh. (Ảnh: Sohu).
Cầu Vạn An có chiều dài 98,2m, rộng 4,7m với 6 vòm phía dưới. Bên trong cầu có 38 gian, dọc theo lối đi là hàng ghế dài để người dân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Bên trong thân cầu có 38 gian và hàng ghế dài dọc theo lối đi để người dân, du khách ngồi ngắm cảnh, nghỉ chân (Ảnh: Sohu).
Vụ cháy cây cầu Vạn An khiến người dân địa phương và du khách gần xa không khỏi tiếc nuối. Đây là địa điểm có phong cảnh đẹp, thanh bình, thu hút rất đông du khách Phúc Kiến và các địa phương khác đến tham quan, chụp ảnh.