Trang Chủ > Du lịch > Về nước để ăn đậu hũ nóng

Về nước để ăn đậu hũ nóng

Phụ Nữ Online
09/08/2022 06:05:39
Về nước để ăn đậu hũ nóng-1

Chén đậu hũ nóng ngọt ngào chứa ký ức tuổi thơ tôi

Tôi có thể kể các món ăn vặt buổi xế trưa cả ngày cũng không hết, các món ấy thường là món ngọt. Buổi trưa thức dậy, tiếng rao chè đậu xanh nước dừa, chè táo xọn, các loại bánh hấp, bánh nướng xôn xao cả xóm. Riêng tiếng rao đậu hũ nóng có phần yếu ớt và thưa hơn. Chẳng hiểu sao tôi hay chờ để được ăn món đậu hũ nóng.

Ký ức còn đọng lại trong tôi là một chén tàu hũ trắng đầy tràn, nước gừng cay chan ngập và nước dừa đọng phủ phê trên mặt. Đó là chén tàu hũ má tôi cho bọn tôi ăn xả láng. Buổi chiều hôm đó, cả xóm xôn xao với tin đổi tiền, má tôi đi làm về vội gọi dì bán đậu hũ vào cho đàn con ăn thỏa thuê… cho mau hết tiền. Dì bán hàng dường như cũng muốn vội về nhà nên nhanh tay. Tôi lúc đó còn nhỏ, nhưng đã nghe vị lo âu ướm đầy trong chén đậu hũ vị ngọt đó.

Từ đó, tôi hay để ý đến những người bán đậu hũ hơn, có lẽ những người chia sẻ cùng một nỗi thì dường như họ cũng có một sự đồng cảm nào đó với mình, dù vô hình. Tôi nhớ ánh mắt lo âu của má lúc đó, nó tương phản vào ánh mắt của dì bán đậu hũ cũng đang hoang mang. Tôi nhớ dì nói giọng miền Trung, đầu đội cái nón lá cũ mèm, gánh đậu hũ đơn sơ như mọi gánh hàng thời đó. Và rồi lớn lên, tôi thấy hình như ai bán đậu hũ cũng nói giọng miền Trung, cũng đội cái nón lá cũ cùng màu. Ai cũng nhỏ nhẹ như miếng đậu hũ mềm dễ tan.

Khi định cư ở Anh, càng ngày tôi càng thấy nhiều món ngon quê nhà xuất hiện trên đất khách. Riêng món đậu hũ nước đường là chưa thấy. Có lẽ nó công phu quá, mà người ăn thì kén chọn chăng? Vậy nên, lần nào về thăm nhà, tôi cũng ăn thật nhiều đậu hũ.

Thật may cho tôi, nhiều món quà quê đã biến mất, nhưng món đậu hũ đâu đó vẫn còn trên đường phố. Chỉ khác là người bán hàng không còn quang gánh nữa, mà họ bán trên yên xe đạp hay xe đẩy. Họ cũng không còn nói giọng miền Trung nữa, mà đủ thứ âm sắc.

Đậu hũ không còn được đựng trong chén nữa, tôi nhớ cái muỗng bằng thiếc mỏng dính để ăn đậu hũ, nó bén ngọt nên múc đậu hũ lên không bị rơi vãi trên áo. Thay vào đó là cái ly nhựa mềm oặt cùng với các muỗng nhựa. Người bán cho tất cả vào cái túi ni-lông gọn nhẹ và tôi xách tòn ten về nhà, từ từ đổ vào chén và thưởng thức để nhớ ngày xưa.

Nhưng ăn như vậy thì giống như ăn thập cẩm, vì ly đậu hũ đổ ngược vào chén thì nước cốt dừa, nước đường, đậu hũ, hạt trân châu (cái này mới được thêm vào, chứ hồi tôi còn nhỏ không có) trộn lẫn vào nhau. Tôi thích ăn theo kiểu hồi xưa, dùng cái muỗng thiếc mỏng dính vớt một lát thật mỏng đậu hũ, chắt một chút nước đường vừa đủ, hớt thêm miếng nước cốt dừa cho vào miệng, cảm nhận vị ngọt, vị béo, vị thơm hòa lẫn vào nhau và tan dần trong miệng. Cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi chỉ còn một ít nước đường trong chén mà miệng vẫn thòm thèm.

Tôi được một cô bạn chỉ cho cách làm đậu hũ với thạch dẻo, cách làm đơn giản vô cùng. Sữa đậu nành nấu vừa sôi, cho lá thạch dẻo đã ngâm mềm với nước vào trộn đều rồi để nguội, vậy là ra đậu hũ rồi đó. Còn lại thì chỉ nấu thêm nước gừng và làm nước cốt dừa nữa thôi.

Lần đầu tiên nấu ra thành phẩm, tôi vừa thưởng thức vừa cảm ơn cô bạn rối rít. Món ngon dễ làm mà sao nhiều năm xa quê giờ tôi mới biết. Có điều, đậu hũ ăn kiểu này để chữa cháy thôi, vì thạch dẻo chỉ ăn lạnh chứ không chan nước đường nóng hổi vào được, nên tôi chỉ nấu món này vào mùa hè.

Về thăm nhà tháng trước, tôi bỏ qua các hàng trà sữa, bánh tráng trộn, hễ thấy xe đậu hũ nóng ở đâu là tôi mua ngay ly, bất kể sáng trưa chiều tối. Ngày cuối cùng, còn vài tiếng trước khi lên xe ra sân bay, giữa vô vàn bánh mì kẹp thịt, bún thịt nướng, bún ốc, bánh bao, xôi cúc, bánh giò quay mòng mòng trong đầu, tôi quyết định chạy ra chiếc xe đạp thô sơ của một dì bán đậu hũ trên vỉa hè, thì hỡi ôi dì đã đẩy đi đâu mất rồi, tôi thẫn thờ đành hẹn với “người tình” gặp lại lần sau.

Phan Quỳnh Dao