Người Hà Tĩnh đi muôn nơi không chỉ tự hào về câu hát ví dặm, về đức tính cần mẫn qua tháng năm mà còn bởi những thức quà ăn sáng ngon đến mức vấn vương. Bánh mướt ram Hà Tĩnh không giống bánh cuốn Hà Nội, cũng không dùng chung với canh trứng chần như Cao Bằng mà có cách ăn rất khác biệt.
Món ăn sáng đặc trưng của người Hà Tĩnh
Bánh mướt ram - món ăn sáng trứ danh
Hà Tĩnh có nhiều quán ăn sáng ngon nhưng phải kể đến quán bánh mướt ram cô Lan trên đường Phú Hào. Quán cô Lan nhỏ với vỏn vẹn năm chiếc bàn nhựa thấp, chỉ cách nhà người viết chừng năm bước chân nhưng người ra vào quán chẳng lúc nào ngớt. Khách đến quán ăn không thiếu các ngành nghề công việc, từ ông tổng biên tập tờ báo nọ ở tỉnh đến anh nông dân bỏ phố về vườn gần chục năm nay, từ cụ già chống gậy từng bước chậm rãi ở cuối phố đến chị giáo viên sáng sớm tất bật đến trường. Nhưng khoái nhất có lẽ là đám trẻ con, học sinh đến ăn tại quán cô mỗi ngày đi học bởi ở đây có món hành phi được chính tay cô làm, khi cuốn với bánh mướt rất thơm ngon.
Công việc ở hàng bánh mướt bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, mùa đông có thể sẽ muộn hơi đôi chút. Tôi nhớ như in những ngày hè, khi tiếng gà vừa chớm gáy, trời vừa hửng sáng cũng là lúc những tiếng đập bánh mạnh mẽ, rền vang phát ra từ quán của cô. Đó là lúc cô đang làm món bánh đập.
Gọi là bánh đập vì loại bánh này vốn là bánh đa được bọc bởi một lớp bánh mướt bên ngoài, sau đó dùng tay đập thật mạnh vào bánh 4, 5 lần để hai lớp bánh dính chặt vào nhau. Bánh đập ăn lạ miệng, vừa có vị ngọt bùi, giòn của bánh đa vừng, vừa mang hương thơm thanh ngát, dai dai của bánh mướt, chấm cùng nước mắm tỏi ớt đặc trưng của người Việt thật sự đưa hương vị giác.
Bánh mướt được tráng tay
Nhưng ở quán cô Lan, ngon nhất phải kể đến món bánh mướt ram hành phi. Những lớp bánh mướt mỏng được cô tự tay tráng, từng lớp đều đặn nóng hổi thơm phức xếp đều ra đĩa. Bánh mướt của cô mềm mướt nhưng vẫn giữ được độ dai, ăn vào có vị bùi bùi của bột sắn và bột gạo. Bánh mỏng, nhỏ tầm ngón trỏ, dài khoảng gang tay dai mềm ngồi cuốn từng bánh với ram giòn giòn và ăn kèm rau sống dưa chuột, dứa, chuối... cho không bị ngán. Điểm đặc biệt gây thương nhớ cho món ăn dân dã này là chấm hành phi trong mắm truyền thống mặn, giống mắm ngày xưa cùng với ớt cay.
Mỗi ngày, cô tráng đến cả trăm đĩa bánh, đĩa nào đĩa nấy trắng tinh, thơm phức được thêm lớp hành phi vàng ươm chính nhà làm. Tại TP. Hà Tĩnh vốn có cơ sở sản xuất bánh mướt công nghiệp lớn mà đa phần các quán bánh mướt đều lấy hàng tại đây, thì với cô Lan, bánh mướt tráng tay vẫn là cái nghề truyền thống quý mà cô và gia đình vẫn tiếp tục duy trì.
Cô Lan chia sẻ rằng: "Bánh mướt tráng tay mới giữ được vị bùi, có dinh dính ở tay, lúc ăn vào ngon thơm hơn nhiều bánh ở lò. Chỉ có mình mệt hơn vì tráng bánh liên tục, nhiều lúc khách ra vào đông thì tay cũng làm không ngớt. Có điều làm lâu dần cũng quen".
Bánh mướt hành phi lại không thể thiếu được ram giò. Tuỳ theo khẩu vị mỗi người, có người ưa ăn cùng ram, mỗi bữa sáng chỉ cần ba cái bánh cuốn ram là no nê hết buổi, lại có người chỉ thích vị tiêu cay the trong từng lớp giò nạc béo. Nhưng nếu đã đến quán cô, nhất định nên thử hương vị ram cuốn.
Món ram cuốn đặc sắc, thơm ngon hơn nhờ vỏ ram
Gọi là ram, có thể nhiều người chưa quen nhưng tương tự với cách gọi món nem cuốn ở ngoài Bắc. Ram ở Hà Tĩnh đặc biệt hơn nhờ lớp vỏ ram vàng ươm trứ danh của vùng đất này, vốn được vinh danh là một trong bốn đặc sản OCOP nổi bật nhất Hà Tĩnh. Ram có nhân miến gạo, thịt tươi với phần mỡ đậm đà, mộc nhĩ, cà rốt, hành lá, tỏi và đặc biệt không thể thiếu tiêu đen. Ram được cuốn chặt, rán giòn, ngon nhất là cuốn với bánh mướt tráng tay khi còn nóng hổi và thưởng thức ngay tại chỗ.
Để chuẩn bị những suất ram bánh mướt thơm ngon mỗi sáng, cô Lan phải chuẩn bị nguyên liệu từ ngày hôm trước. "Bán hàng ăn sáng nghĩ nhẹ nhàng nhưng đâu có dễ. Buổi sáng đứng bếp xong, buổi chiều lại đi chợ mua nguyên liệu làm ram như bánh ram, thịt ngon, miến,…rồi lại phi hành thơm, bảo quản kín để sử dụng cho ngày mai, tính ra cũng hết cả một ngày trời", cô Lan vui vẻ nói.
Mở hàng gần chục năm nay, quán ram bánh mướt nhỏ của cô với tấm biển đã phai màu mực chữ nhưng hương vị thơm ngon đặc trưng như những ngày đầu. Đặc biệt, giá mỗi suất ram bánh mướt vẫn giữ nguyên với 8 ngàn đồng/đĩa bánh và 3 ngàn đồng/ram. Ở gần quán cô, bởi vậy mà tiếng đập bánh từ sớm tinh mơ, tiếng khách vào người ra cùng hương bánh tráng tay, ram chiên giòn gắn bó với tôi hết những ngày còn học sinh. Những lần đi học vội, từ bên nhà tôi gọi vọng sang cô để xin "order" một đĩa bánh mướt hai ram, lúc nào cũng được cô chuẩn bị sẵn tươm tất trên bàn. Với hàng bánh mướt ram cô Lan, không chỉ là hương vị quê hương mà còn là ký ức tuổi thơ cho tôi níu giữ những ngày xa quê.
Gợi ý một số địa điểm ăn bánh mướt ram ngon tại Hà Tĩnh
1. Bánh mướt ram cô Lan - 65 Phú Hào, TP. Hà Tĩnh - 20.000 - 55.000 đồng/suất
2. Bánh mướt ram - 318 Nguyễn Du - 30.000 đồng/suất
3. Bánh mướt ram giò Hai Bà - Thạch Hà, Hà Tĩnh - 35.000 đồng/suất
4. Bánh cuốn 37 - 525 Trần Phú, Thạch Trung - 25.000 - 35.000 đồng/suất
5. Bánh mướt ram giò Bà Nuôi Tiêu - 68 Nguyễn Công Trứ - 35.000 đồng/suất.
Nguồn Tin: