Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức. CHI TIẾT THỂ LỆ TẠI ĐÂY .
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Vũ Lam Hiền (tên thật Vũ Thị Ngọc Thu, TP.HCM)
1. Đại dịch vẫn chưa chấm dứt, sau gần 2 năm đằng đẵng gây nhiều mất mát, đau thương cho toàn xã hội. Virus Corona đã là mối nguy hiểm ngăn cản mọi người gặp gỡ, vui chơi cùng nhau. Những đợt giãn cách xã hội làm rất nhiều ngành nghề, tổ chức bị ngừng trệ hoặc cả giải thể. Từ những bất an ở bên ngoài như vậy, chợt nhận ra bên trong ngôi nhà của mỗi người cũng gióng lên thông điệp về giá trị trân quý của gia đình. Giá trị ấy khi dịch bệnh chưa xảy đến, đang bị phai lạt bởi xã hội phát triển không ngừng với những đua tranh, những cám dỗ, những cuộc chơi đầy ma lực,...
2. Những ngày ngôi trường tạm đóng cửa vì dịch bệnh, tôi phải nghỉ dạy, ở nhà, thời gian cùng với gia đình trở nên nhiều hơn. Chúng tôi thức dậy sớm, cùng tập thể dục và trò chuyện. Tin tức về dịch bệnh được đem ra để chia sẻ, để cảnh giác và phòng chống. Gia đình là một viên gạch để đóng góp xây dựng nên xã hội. Từ nhận thức về dịch bệnh của gia đình, có thể kêu gọi, động viên cho toàn xã hội toàn sức ngăn cản bước chân của dịch bệnh. Như lời Bác Hồ răn dạy 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công'. Đất nước có giàu mạnh, chắc hẳn luôn cần mỗi người dân xây dựng gia đình của mình ấm no, hạnh phúc.
Vậy mà, giá trị của gia đình, tình yêu thương ruột rà có thể vì luôn vô điều kiện, vì luôn hiện hữu gần bên nên không tạo nên thôi thúc mỗi người chúng ta phải tìm kiếm, phải chiếm hữu như đối với tiền tài, danh vọng, những lợi ích cá nhân. Người đời chỉ biết tôn vinh, ca ngợi những thành tựu trong học tập, trên thương trường, ở sở làm mà lại sơ sót quên đi nếu chỉ đạt được thế, con người tài năng ấy chắc gì đã hạnh phúc, đã sống cho đúng ý nghĩa một cuộc đời được lựa chọn tồn tại.
Bữa cơm gia đình những ngày dịch diễn ra trong không khí khác hẳn ngày thường. Phần vì thực phẩm, thức ăn vì giãn cách mà khó vận chuyển, khó đặt mua, giá cả tăng thêm. Phần vì bữa cơm này không chỉ có mẹ đứng bếp mà còn có thêm chị em chúng tôi và bố phụ giúp rửa và nhặt rau, cắt gọt trái cây, bày biện chén đũa lên bàn ăn,... Bữa cơm ngày dịch có thể thiếu món ăn quen thuộc nhưng lại đủ đầy sự góp mặt đoàn viên của các thành viên trong gia đình. Thử nhớ lại những ngày trước dịch, chỉ có bố mẹ đã hưu trí ở nhà, trông nom nhà cửa, trò chuyện cùng nhau. Các chị em tôi thì sẽ bận rộn với việc làm, sẽ rời khỏi nhà từ sớm, khi hết ngày mới lụi cụi trở về nhà, quần áo đầy mồ hôi, bụi bám, nhiều mệt mỏi. Có khi còn đang giận dữ, chưa quên được vụ việc thất bại trong công việc ban sáng. Guồng xoay của cuộc sống thật quá đỗi lạnh lùng, khiến cho chị em tôi có khi quên bẵng bố mẹ đang ở nhà chờ trông, với tuổi già đang từng ngày trôi qua trong im lặng.
3. Trong sự vui mừng của cả nước với những ca nhiễm Covid ngày càng giảm dần, nhịp sống dần trở lại bình thường, chị em tôi trở lại công việc thường nhật. Chị em tôi đã kịp nhận ra sự quý giá của tình thân gia đình. Chúng tôi dành thêm thời gian để lắng nghe và hỏi thăm bố mẹ của mình. Khi rảnh, chị em tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa, mua thêm thực phẩm cho vào tủ lạnh,...để đỡ phần nào việc nhà cho bố mẹ.
Gia đình là nơi thân thương, an tâm nhất để mỗi người con trở về, trong vòng tay cũa những người thân. Hãy biết trân quý và vun vén cho gia đình của chính mình.
>> Xem thêm: 'Về Nhà Thôi' - cuộc thi có tổng giải thưởng lên đến 40 triệu đồng