Trang Chủ > Sức khỏe > Yếu tố nguy cơ nhiễm nấm phổi do Aspergillus

Yếu tố nguy cơ nhiễm nấm phổi do Aspergillus

Sức Khỏe và Đời Sống
15/09/2022 11:52:36

1. Nhiễm nấm aspergillus

Aspergillus là loại nấm ở miệng hoặc ở đường hô hấp trên, người ta có thể tìm thấy nấm aspergillus trong đờm. Các nghiên cứu cho thấy, bào tử nấm aspergillus có rất nhiều ở môi trường, thường ít gây bệnh khi hít vào phổi; nhưng nó lại hay phát triển tạo thành bệnh nấm phổi khi trong phổi có hang lao có sẵn hoặc ở cơ thể bị suy giảm miễn dịch.

Nếu người suy giảm miễn dịch trong bệnh AIDS khi bị nhiễm nấm máu, lan ra phổi được coi là nhiễm khuẩn cơ hội. Với đặc tính aspergillus thường gây ho ra máu và nếu bị nhiễm nấm ở phổi thì mức độ nguy hiểm hơn nhiều do người nhiễm nấm thường là những người mà hệ miễn dịch bị suy yếu. Vì thế tỉ lệ tử vong do nấm phổi lên đến 80 - 90%.

Yếu tố nguy cơ nhiễm nấm phổi do Aspergillus-1

Những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) dễ mắc bệnh nấm phổi do aspergillus.

2. Ai dễ là người mắc nấm phổi do aspergillus ?

Các chủng nấm aspergillus gây bệnh cho người đều có ở khắp nơi trong môi trường sống. Nấm mọc trên những lá cây rụng, các loại hạt thực vật như lúa, ngô…; trong các đống cỏ khô và các loại thực vật bỏ làm phân. Chính vì thế con người rất dễ hít phải bào tử của nấm, nhưng lại ít khi bị bệnh. Chỉ khi nào người yếu có bệnh nền khiến suy giảm miễn dịch  hoặc do bệnh phải dùng thuốc điều trị  mới khiến nấm phát triển và aspergillus gây bệnh.

Người ta thường gặp những bệnh nhân nhiễm nấm aspergillus đã mắc lao phổi tạo hang, người điều trị lâu dài bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticoide, azathioprine và các thuốc chống ung thư … Ngoài ra, người bệnh nấm phổi do aspergillus thường ở những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Ở những bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm miễn dịch này thường ở giai đoạn cuối, có nhiều biểu hiện như: tiêu chảy, lao phổi tiến triển dạng lao kê là tình trạng nhiễm nấm toàn thân.

Một số trường hợp u nấm aspergillus phát triển trên những bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính trước đó, ngoại trừ bệnh lao, như: bệnh sacoide, dãn phế quản, dãn phế nang, ung thư phổi có hoại tử trung tâm và tạo hang, kén khí phổi… Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân cần phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, các bác sĩ cũng đã phẫu thuật cho nhiều người bệnh vừa có u nấm phổi vừa bị ung thư phổi.

3. Dấu hiệu nhận biết nấm phổi do aspergillus

Các biểu hiện của nấm phổi t‌ùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Các biểu hiện ban đầu thường thấy là: sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân; ho ra m‌áu, ho khạc đờm có nhầy.

Trên thực tế phần lớn người bệnh thường đến cơ sở y tế khám vì ho ra m‌áu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đ‌au ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là người bệnh điều trị viêm phổi dùng kháng sinh bệnh không thuyên giảm.

Theo nghiên cứu nhiều người bệnh bị ho dai dẳng , trong đó có tới 95% các trường hợp là ho ra máu từ số lượng ít có dính đờm, đến nhiều có thể gây tử vong. Trong số này, 20% ho ra máu tái phát nhiều lần và ho ra máu nhiều khiến người bệnh lo lắng phải nhập viện. Một số trường hợp bị ho ra máu kiểu sét đánh -ho nhiều ồ ạt do tổn thương các mạch máu của phổi vì tế bào nấm ăn lan vào.

4. Đặc điểm các thể nấm phổi do aspergillus

-Thể phế quản:

‎Ở thể này thường viêm ở phế quản lớn, niêm mạc phế quản bị trầy xước rồi phát triển một lớp nấm aspergillus. Người bệnh thường sốt tái diễn, ho khạc đờm đặc, có các sợi nấm, có cơn khó thở rít khò khè như hen phế quản.

‎-Thể xâm nhập

Là nhiễm nấm ở phổi sau đó lan qua thành phế quản vào phế nang ngoại vi, tổn thương hoại tử và lan rộng do aspergillus xâm nhập nhu mô phổi và mạch máu. Người bệnh thường gặp ở các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp, điều trị hóa chất kéo dài. Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, ho khó thở, ho máu gặp khoảng 50%.

-Thể u nấm Aspergillus trong hang phổi

‎Đây là u nấm phát triển trên biểu mô lát mới của một hang trong nhu mô phổi như hang lao, hang áp xe. Giữa aspergillus và các vi khuẩn không đồng thời sinh sản và phát triển được, vị nấm tiết ra kháng sinh. Nhưng khi nấm aspergillus chết, thể bội nhiễm có thể xuất hiện.

Ở thể này người bệnh thường có biểu hiện ho ra máu, bệnh nhân có tổn thương xơ ở phổi mà có ho ra máu tái diễn nhiều lần thì cần nghĩ tới u nấm aspergillus.

5.Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh nấm phổi nếu không được điều trị đúng hoặc để bệnh kéo dài thì các bào t‌ử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác. Người bệnh sẽ tử vong do nhiễm trùng, suy kiệt hoặc biến chứng nặng nề như ho ra m‌áu. Chính vì vậy, khi có biểu hiện bất thường như ho, ho kéo dài kèm theo các biểu hiện khác như: tức ngực, uống thuốc không đỡ… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán điều trị sớm.

Nấm aspergillus có thể tồn tại khắp nơi trong mọi điều kiện, do đó việc vô tình tiếp xúc với nấm là khó tránh khỏi. Cách dự phòng nhiễm nấm  có thể thực hiện là giữ cho cơ thể không bị suy giảm sức đề kháng. Để làm được việc này, hàng ngày như tập luyện thể dục thể thao, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp. Khi lao động, tập luyện hay thực hiện các hoạt động có tiếp xúc với đất, cát, bụi bẩn... cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa việc hít phải nấm gây bệnh. Đối với người có cơ địa thuận lợi cho sự nhiễm nấm, nên đi khám định kỳ và chụp phim X-quang sớm khi thấy có triệu chứng bất thường để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Món ăn, thực phẩm tốt cho người bệnh dạ dày.