Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế, đề nghị chỉ đạo chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ 2 loại vaccine ngừa sởi và DPT (ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván) cho TPHCM, trong bối cảnh địa phương không còn các loại vaccine này.
Hàng loạt trung tâm y tế cạn vaccine sởi và DPT
Trước đó, lô vaccine DPT 6.000 liều được Viện Pasteur TPHCM phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã sử dụng hết.
"Ngày 31/8, Viện đã gửi thông báo hết vaccine sởi và DPT trong kho" - PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM xác nhận với phóng viên Dân trí thông tin trên vào sáng 14/9.
Ông Trung cho biết thêm, Viện chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đầu mối điều phối các vaccine này là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế).
Tiêm vaccine cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: HH).
Khảo sát của phóng viên tại hàng loạt trung tâm y tế các quận, huyện như Bình Tân, Bình Thạnh, quận 3, TP Thủ Đức đều cho biết đã hết 2 loại vaccine sởi đơn và DPT, với lý do đây là tình hình chung của cả TPHCM.
Thậm chí, đại diện khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận 3 chia sẻ, tình trạng thiếu vaccine sởi đã diễn ra trong thời gian khá dài, từ thời điểm dịch Covid-19. Còn vaccine DPT thì "lúc có lúc không". Gần đây, HCDC có chuyển một số liều vaccine DPT cho Trung tâm, nhưng đã dùng hết.
Trả lời câu hỏi về giải pháp xử lý tình trạng trên, đại diện Trung tâm Y tế quận 3 thú thật là… không có. "Trung tâm chỉ dự trù được số lượng liều cần và chờ HCDC phân bổ" - nguồn tin nói.
Bác sĩ Bùi Văn Đức, Trưởng Trạm Y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) thông tin, trạm đã không còn vaccine DPT để phục vụ tiêm chủng cho người dân vài tháng qua. Để xử lý tình trạng này, các nhân viên y tế sẽ dùng vaccine 5 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não cho vi khuẩn Hib) tiêm thay thế cho vaccine DPT.
Với vaccine sởi thì mới hết gần đây. Trạm y tế thông báo rõ tình trạng này, mong người dân thông cảm chờ vaccine về. Nếu ai có điều kiện và nhu cầu thì có thể sang một trung tâm tiêm chủng tư nhân đặt tại phường tiêm dịch vụ.
Phụ huynh tại TPHCM đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ (Ảnh: VNVC).
Đại diện Trạm Y tế phường Tam Bình (TP Thủ Đức) cho biết, mỗi thứ năm hàng tuần nơi này sẽ lên Trung tâm y tế TP Thủ Đức lấy vaccine và tổ chức tiêm ngừa tất cả 8 bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Qua thống kê, mỗi tuần sẽ có trên dưới 10 trường hợp phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine sởi và DPT. Vaccine sởi đơn hiện tại đã hết, nếu trẻ đã trên 12 tháng sẽ được tiêm thay thế bằng vaccine MR (ngừa sởi và rubella). Còn vaccine DPT sẽ được thay thế bằng vaccine 5 trong 1 (cho trẻ từ 18-24 tháng tiêm mũi nhắc lại).
Tại Hà Nội, khảo sát một số trạm y tế trên địa bàn TP Hà Nội như trạm y tế phường Quán Thánh, Trung Liệt... thời điểm này cũng không có vaccine DPT mũi 4 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cá biệt có phường hẹn lịch sang thứ 4 tuần sau hoặc tư vấn gia đình cho trẻ tiêm vaccine dịch vụ thay thế.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết DPT mũi 4 là vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn mũi 4 tiêm nhắc lại cho trẻ 18-24 tháng. Đây là vaccine được tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
"Thực chất không thiếu mà vaccine bị chậm tại thời điểm nhất định. Mũi 4 này được tiêm nhắc lại vào thời điểm 18 tháng, trẻ có thể tiêm vào thời điểm từ 18 đến 24 tháng", ông Tuấn nói.
Mua vaccine dịch vụ, chịu lỗ để tiêm đạt chỉ tiêu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp lý giải, tình trạng thiếu vaccine là do Sở Y tế chưa được Trung ương phân bổ về.
"Thông thường, mỗi 2 tháng 1 lần, vaccine từ Trung ương sẽ được giao về cho Viện Pasteur TPHCM, và sau đó Viện giao lại cho Thành phố. Nhưng từ tháng 5 đã bị "đứt" cục bộ một số vaccine, trong đó có vaccine sởi và DPT" - ông Hòa nói.
Trung tâm Y tế ở TPHCM tìm cách mua vaccine sởi bên ngoài để tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn (Ảnh minh họa: HH).
Cũng theo ông Hòa, ngành y tế quận Gò Vấp chọn cách không chờ đợi mà chủ động mua vaccine dịch vụ sởi đơn để về tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi, nhằm đạt chỉ tiêu phủ vaccine đầy đủ 8 loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi thực hiện theo cách này, người dân sẽ phải chi trả phí vaccine theo giá mua gốc (khoảng hơn 30.000 liều/mũi) và được giải thích rõ ràng.
"Mỗi lọ vaccine sởi đơn có 10 liều, nhiều lúc cũng xảy ra tình trạng phường này chích chỉ 2-3 mũi, phường kia chích nhiều. Chúng tôi tạo một nhóm làm việc chung để cố gắng tiêm tối đa lọ thuốc, nhưng cũng có lúc phải bỏ liều, chịu lỗ" - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chia sẻ.
Về vấn đề này, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, tình trạng thiếu vaccine sởi và vaccine bạch hầu- ho gà - uốn ván bắt đầu từ tháng 8. Đây là hai vaccine được sản xuất trong nước. Trong đó, vaccine sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất, vaccine DPT của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
"Điều đáng nói là trong kho của các nhà sản xuất có sẵn 2 loại vaccine trên, nhưng hiện không thể sử dụng do vướng các quy định về thủ tục mua bán, cung ứng. Viện đã báo cáo Bộ Y tế về vấn đề này", bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận và phân bổ vaccine, vướng mắc về quy định cần Vụ Kế hoạch tài chính và Bộ Y tế tìm cách tháo gỡ.