Trang Chủ > Sức khỏe > Xét nghiệm, siêu âm, X-quang... ở trạm y tế

Xét nghiệm, siêu âm, X-quang... ở trạm y tế

Phụ Nữ Online
18/07/2022 10:49:47

Xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh ngay tại trạm y tế

10g sáng, bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi, ở phường 22, quận Bình Thạnh) vui mừng nghe bác sĩ nói sức khỏe bà ổn định, chỉ mắc một số bệnh của người cao tuổi như huyết áp, xương khớp. Ngồi ở hàng ghế của Trạm Y tế phường 22, bà Thu mỉm cười: “Không ngờ ở đây khám tổng quát nhanh như vậy. Tôi làm hết các thứ như xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra hô hấp, tim mạch, chụp X-quang… mà chỉ hơn hai tiếng đã có luôn kết quả. Mấy lần trước đi bệnh viện, con tôi phải xin nghỉ phép, đưa tôi đi khám từ 5g sáng mà gần 15g mới xong, mệt lắm”.

Theo bà Thu, do người quen đã khám sức khỏe tại trạm y tế phường, thấy nhanh, thoải mái nên giới thiệu bà đi khám. Ban đầu, bà e ngại vì nghĩ rằng trạm y tế lâu nay thô sơ, không có đủ thiết bị, máy móc khám bệnh. Thế nhưng, đến nơi, bà hết sức ngạc nhiên, trạm có cả máy X-quang, máy siêu âm… Người bệnh ít hơn nhiều so với ở bệnh viện nên làm xét nghiệm, chụp chiếu kết quả cũng nhanh hơn.

Xét nghiệm, siêu âm, X-quang... ở trạm y tế-1

Bác sĩ tại Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM đang tư vấn sức khỏe cho người dân

Từ khi Phòng y học cổ truyền tại Trạm Y tế phường 22 hoạt động, bà Nguyễn Thị Mai Trang (55 tuổi) thường xuyên đến tập vật lý trị liệu. Trạm có máy móc chuyên dụng để tập phục hồi vận động, cải thiện chức năng xương, khớp… nhờ đó căn bệnh của bà cũng đỡ hơn nhiều. Bà Trang chia sẻ: “Ở bệnh viện đông người, tới quá sớm hoặc muộn sẽ phải xếp hàng chờ tới lượt, kỹ thuật viên cũng ít có thời gian theo dõi, chỉ dẫn động tác tập cho mình. Còn ở đây, tôi không cần phải canh giờ, cũng không ngại hỏi lại khi không nhớ động tác, tinh thần cũng thoải mái, sức khỏe tốt hơn nhiều”.

Bác sĩ Ngô Thị Minh Thu - Trưởng Trạm Y tế phường 22 - cho biết, khi trạm được chọn là một trong 35 trạm y tế trên địa bàn thành phố đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, nhân viên tại trạm đã cố gắng hết mình để nhận được sự tin cậy của người dân. Hiện trạm có mười nhân sự, trong đó có hai bác sĩ. Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh điều động một bác sĩ chuyên khoa, nội tổng quát hỗ trợ khám chữa bệnh tại trạm các buổi sáng. Bên cạnh đó, trạm còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn, tư vấn, hội chẩn từ xa của bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện chuyên khoa nhi…

“Trạm có cơ sở vật chất khang trang, được trang bị máy móc thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán huyết học, sinh hóa, miễn dịch, siêu âm, điện tim… Khám tại trạm y tế, người bệnh cũng được thanh toán bảo hiểm y tế nên hiện tại số lượng người bệnh đang tăng lên. Tuy nhiên, do là tuyến y tế cơ sở nên nhiều danh mục thuốc còn hạn chế, Trạm Y tế phường 22 mong muốn được bổ sung nhiều loại thuốc hơn để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh”, bác sĩ Minh Thu nói.

Tạo được niềm tin cho người dân

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh - cho biết: Trạm y tế được thành lập nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hiện nay, trạm y tế địa phương đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để đạt hiệu quả hơn nữa trong mục tiêu này. Tới thời điểm này, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã tham mưu cho quận ra mắt ba trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại phường: 13, 27 và 22. Dự kiến cuối năm nay, quận sẽ có thêm một trạm y tế nữa.

Trạm y tế hoạt động thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về nhân sự, bác sĩ phải được đào tạo về bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nội tổng quát, có kiến thức bao quát, có kinh nghiệm, có thể tư vấn, giúp đỡ, điều trị những bệnh thông thường kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia như chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ… Trạm phải có cơ sở vật chất khang trang, máy móc, thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó là hồ sơ sức khỏe điện tử. “Hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ tích hợp được việc theo dõi tiêm ngừa vắc xin mà còn giúp nhân viên y tế quản lý chặt về tình hình sức khỏe người dân qua bệnh án điện tử, từ đó có phương án chăm sóc tốt cho người bệnh. Hiện nay, về nhân lực và thiết bị, chúng tôi đã được trang bị khá đầy đủ, cơ sở khang trang, tạo được niềm tin cho bệnh nhân, tuy nhiên Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh vẫn đang chờ hồ sơ sức khỏe điện tử”, bác sĩ Tâm nói.

Theo bác sĩ Tâm, đến nay Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã tạm đủ về nhân lực để hỗ trợ cho ba trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa 1, nội tổng quát, bác sĩ có chuyên môn sau đại học, cũng như trang bị sơ bộ về y học gia đình. Nhưng để các trạm y tế phát triển thêm phải cần nguồn lực từ bác sĩ trẻ. Vì vậy, ngoài các lớp tập huấn của Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện thì trung tâm y tế cũng tổ chức nhiều lớp nâng cao chuyên môn, truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ.

“Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh may mắn là nơi được nhiều bác sĩ từ các bệnh viện tình nguyện về làm việc sau dịch COVID-19. Trung tâm đã tiếp nhận 22 bác sĩ trẻ vừa thực hành ở trạm y tế vừa đi học thêm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nên hiện đã “giải” được bài toán về nhân lực. Mong rằng sau 18 tháng, các trạm y tế sẽ giữ chân được lực lượng bác sĩ trẻ này”, bác sĩ Tâm nói.

Điều quan trọng tiếp theo để có được sự tin cậy của người bệnh là thuốc. Sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm, trạm y tế không thể để người dân mua thuốc bên ngoài. Đặc biệt, trung tâm y tế đang thực hiện chiến dịch chăm sóc người cao tuổi nên ít nhất phải đảm bảo thuốc cho người cao tuổi. Để trạm y tế phát triển bền vững, giữa trạm và bệnh viện cần có sự kết hợp chặt chẽ về điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ví dụ, sau khi điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được đưa về trạm y tế chăm sóc. Còn trạm y tế khi cần các thủ thuật, điều trị cao hơn, mới chuyển người bệnh đến bệnh viện…

Phạm An - Sỹ Lý