Ngày 25/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông rất lo ngại về sự bùng phát của bệnh này.
"Tôi vô cùng lo ngại về bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Đây rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ", ông Tedros phát biểu.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm, nhưng chưa đến mức độ khẩn cấp toàn cầu.
Trong một tuyên bố riêng, WHO nói dù nội bộ có quan điểm khác nhau nhưng tổ chức này đã nhất trí ở giai đoạn này, đợt bùng phát đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.
Trong lịch sử, WHO đã có 6 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, đó là dịch Covid-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014) và virus gây đại dịch cúm heo H1N1 (2009).
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus gây ra, có triệu chứng giống cúm và gây ra các tổn thương trên da. Đậu mùa khỉ đã và đang lây lan phần lớn ở nam giới. Các hãng dược hiện đang phát triển vaccine và phương pháp điều trị cho đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở khu vực Trung, Tây Phi hàng chục năm qua và hiếm khi lây lan mạnh bên ngoài châu lục này.
Theo WHO, trong 6 tuần qua có hơn 3.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và một ca tử vong đã được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới từ 48 quốc gia.
Riêng các nước khu vực Trung Phi đã ghi nhận gần 1.500 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có khoảng 70 ca tử vong.