Giá thuốc 3 gói vừa trúng thầu tập trung quốc gia đều giảm so với năm trước, với tỷ lệ giảm giá trung bình 17,25% (tương đương 1.337 tỷ đồng).
Giá thuốc thời gian tới liệu có giảm?
Điều này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, liệu giá thuốc thời gian tới có giảm?
Cuối tháng 6/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức đấu thầu các gói thầu cung cấp 106 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 trên cơ sở Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BYT và đã được Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4325/QĐ-BYT.
Kết quả, 39 nhà trúng thầu, trong đó 27 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 1; 27 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 2; 24 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 3. Tổng giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là 7.630 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 17,25% (tương đương 1.337 tỷ đồng).
Theo kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia vừa được công bố, giá thuốc trúng thầu hầu hết đều giảm so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trong năm trước. Tùy từng loại thuốc có mức giảm khác nhau so với giá kế hoạch.
Sau khi Bộ Y tế công bố 3 gói đấu thầu, các địa phương, cơ sở y tế đang tiến hành ký hợp đồng mua sắm thuốc với nhà thầu. Tuy nhiên, với giá thầu giảm trung bình 17,25% người bệnh đều kỳ vọng sẽ được hưởng lợi qua việc giảm chi phí tiền thuốc.
Ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia - cho biết, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước. Vì vậy, kết quả đấu thầu lần này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, việc công bố kết quả đấu thầu lần này có ảnh hưởng tích cực đến các hội đồng đấu thầu trên toàn quốc, đặc biệt với những đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động của các đơn vị, nhằm sớm có kết quả đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc sẽ sớm được khắc phục.
Công tác đấu thầu giai đoạn 2022-2023 được khởi động tháng 9/2021. Thời điểm đóng/mở thầu theo thông báo mời thầu đầu tiên vào ngày 15/10/2021, sau đó thêm nhiều lần gia hạn và cuối cùng mở thầu vào ngày 28/2/2022, đến nay mới có kết quả. Sau khoảng 7 tháng chậm trễ, Bộ Y tế mới lựa chọn được 39 nhà thầu cho 3 gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách Pháp Luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” với Bộ Y tế, mới đây, cũng đã nêu ra những bất cập về đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đó là giá thuốc đấu thầu năm sau phải thấp hơn năm trước - quy định được cho là bất hợp lý trong bối cảnh chúng ta mong muốn đạt chuẩn quốc tế.
Hiện nhiều địa phương cũng phản ánh, còn tình trạng khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định liên quan trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Việc phê duyệt kết quả trúng thầu 1 số loại thuốc chưa căn cứ vào giá chào thầu thấp nhất, mua vật tư ngoài thầu cao hơn giá trúng thầu. Đấu thầu thuốc tập trung có thời hạn khá dài từ 2-3 năm...
Bà Đào Hồng Lan - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - chia sẻ: Đây là một phần trách nhiệm của Bộ Y tế, và đang giao cho các đơn vị sửa Thông tư 14, 15. Nếu theo quy định như vậy thì giá vật tư, trang thiết bị ngày càng đi xuống và dần dần về min thì các đơn vị chắc chắn không đấu thầu được và doanh nghiệp cũng không tham gia đấu thấu.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng cơ sở y tế tư nhân có thể mua trang thiết bị y tế cùng loại với giá thấp hơn so với giá cơ sở y tế công lập phải mua sau khi áp dụng quy định đấu thầu. Tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu, bán đấu giá, mua sắm tài sản công chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo tính toán ban đầu, việc hoàn thành 3 gói thầu thuốc tập trung này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu thuốc hiện nay, vì số lượng tương đối nhiều, chiếm khoảng 20% lượng thuốc cho nhu cầu sử dụng.
Nguồn Tin: