Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Emerging Microbes & Infection cho thấy virus H5N1 bùng phát ở Hà Lan hồi tháng 10/2020 là tái tổ hợp của virus cúm gia cầm H5N8 với các chủng cúm H1N1 và H3N8.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Động (Bắc Giang) tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Động (Bắc Giang) tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm. Ảnh: Xuân Thỏa
Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích chi tiết 233 chủng H5N1 thu thập từ 28 quốc gia và phát hiện ra rằng virus này đã có sự trao đổi gene phức tạp với các chủng virus khác nhau ở những loài chim hoang dã và đã hình thành 16 kiểu gene kể từ khi dịch bùng phát.
Theo các chuyên gia viện trên, virus H5N1 là nguyên nhân gây dịch ở các đàn gia cầm, khiến giới chức thú y phải tiêu hủy hơn 70 triệu con gia cầm tại châu Âu, châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ kể từ tháng 10/2020.
Tại Việt Nam, đầu tháng 6/2022, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên người và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ ngày 10/3 – 16/4/2022 có hàng trăm vụ bùng phát cúm gia cầm mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở châu Âu, ngoài ra còn ghi nhận rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.
Mặc dù trên thế giới và tại Việt Nam một vài năm gần đây không ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới và tại Việt Nam thì nguy cơ cúm gia cầm lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể. Vì tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu báo cáo của Bộ Y tế; chủ động phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập, không để bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam.
Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; tổ chức xây dựng phương án, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hạn chế nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.