Công tác tiêm chủng mở rộng đem lại hiệu quả cao
Tiêm chủng mở rộng là chương trình do Tổ chức y tế thế giới khởi xướng và được Chính phủ các nước đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Tất cả các vaccine tiêm chủng mở rộng đều dành cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ yếu ở trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, phát minh ra vaccine là một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của nền y học. Nhờ có vaccine, chúng ta đã có thể thanh toán được rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
"Trước những năm 1980, đậu mùa là căn bệnh lưu hành và gây dịch bệnh ghê gớm. Tuy nhiên nhờ có vaccine, chúng ta đã thanh toán được chủng đậu. Ngoài ra còn thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và còn rất rất nhiều vaccine khác đã làm giảm số ca mắc và tử vong so với thời điểm trước tiêm.
Nếu như trước kia, số lượng bệnh nhân tại khoa truyền nhiễm ở các bệnh viện rất đông thì giờ đây, nhờ triển khai tiêm chủng vaccine đã giúp tạo ra khoảng trống đáng kể tại các khoa bệnh đó" - PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá về hiệu quả của công tác tiêm chủng mở rộng.
Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: LĐO
Còn theo PGS.BS Phạm Quang Thái- Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện có hiệu quả:
"Khi trao đổi với các bác sĩ chuyên ngành nhi, chuyên ngành truyền nhiễm, họ cho rằng những người làm công tác tiêm chủng dự phòng nếu làm tốt công việc của mình thì bên điều trị sẽ rất nhàn vì khi đó bệnh viện sẽ tập trung nhân lực để giải quyết các vấn đề khó khăn khác của y tế.
Nhưng nếu chỉ cần xao nhãng trong quá trình làm việc, khiến tỉ lệ tiêm chủng giảm đi thì lập tức các bệnh truyền nhiễm sẽ quay trở lại, khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải tại các khoa truyền nhiễm. Thay vì tập trung điều trị cho bệnh nhân bệnh lý nặng, giờ đây lại phải tốn thêm nhân lực giải quyết bệnh truyền nhiễm" - PGS.BS Phạm Quang Thái chia sẻ.
Với PGS.BS Phạm Quang Thái, hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng là một hiệu quả lâu dài, cần phải liên tục được bồi đắp chứ không phải một kết quả ngắn hạn. Và hiệu quả đó chính là sức khoẻ, giúp cuộc sống của người dân Việt Nam trở nên tốt hơn.
Tiêm chủng thường xuyên giúp giải quyết bài toán kinh tế
Bàn về vấn đề kinh tế khi thực hiện tiêm chủng vaccine, PGS.BS Phạm Quang Thái cho biết, cũng có rất nhiều chuyên gia về tài chính đã nghiên cứu về vấn đề này, kết hợp với những người làm y tế và họ đều cho rằng, khi người dân bỏ ra 1 đồng vào tiêm chủng thì lợi nhuận đem lại sẽ là 5, 10 thậm chí 20 đồng.
"Có thể thấy, tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, hạn chế việc phải nhập viện hay hạn chế việc người thân trong gia đình phải mất thời gian để chăm sóc cho người bệnh. Tác động trực tiếp và gián tiếp đó chính là những lợi ích lâu dài của việc tiêm chủng mà người dân không nên bỏ qua"- ông Thái cho hay.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi mắc bệnh, người bệnh đặc biệt là trẻ em sẽ phải chịu những tổn thất về tinh thần và vận động.
"Các di chứng sau khi mắc bệnh như viêm não Nhật Bản hay bại liệt sẽ để lại gánh nặng suốt đời, gây tổn hại lớn tới vấn đề sức khoẻ, an sinh xã hội,… Việc sử dụng vaccine để giải quyết các bệnh truyền nhiễm là giải quyết bền vững nhất.
Một số bệnh như sốt xuất huyết hiện còn rất nan giải khi diễn ra hằng năm và chưa có vaccine. Tuy nhiên với các bệnh đã có vaccine, hiệu quả của vaccine là rất lớn và chúng ta hầu như chỉ cần dùng vaccine trong phòng và điều trị. Tôi cho rằng đây là giá trị rất lớn của vaccine, của tiêm chủng mở rộng" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.