Trả lời tại buổi báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Lý do vì bệnh đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, hiện nay, với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch Covid-19 thì sự giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực có xu hướng tăng.
"Việt Nam được đánh giá, phân loại là nhóm 1, quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh theo phân loại của WHO. Tuy nhiên, ngay lập tức Bộ đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều trị, giám sát các trường hợp bệnh đậu mùa", Thứ trưởng Hương nói.
Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống. Đồng thời liên tục liên hệ với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế để cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh.
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người vào năm 1970 và chỉ lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, ghi nhận tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Bệnh gia tăng liên tục cả về số mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố sự bùng phát của dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7, thế giới đã ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ khởi đầu cũng giống các bệnh truyền nhiễm khác với biểu hiện sốt. Đa số các bệnh nhân có tình trạng sưng to các hạch, sau đó ít ngày bắt đầu xuất hiện các tổn thương trên da là các mụn, đầu tiên là ban sau đó phát triển thành mụn nước, sau khô đi, đóng vảy, bong vảy ra- lúc này bệnh sẽ hồi phục.
Triệu chứng như sốt, phát ban, thậm chí nổi hạch rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhiều bệnh lý sẽ có các triệu chứng đó. Tuy nhiên có điểm khác đặc trưng là sau 3-4 ngày sốt, nổi hạch thì người bệnh bắt đầu xuất hiện các tổn thương trên da.