Con số trên vừa được Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế công bố sáng nay, 5/8, tại buổi trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.
Ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế - cho biết tổng giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là 7.630 tỉ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỉ đồng, tỷ lệ giảm giá là 21,25% (tương đương với 1.337 tỉ đồng).
Ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế - thông báo kết quả trúng thầu thuốc
Mặc dù thời gian qua có rất nhiều khó khăn, thử thách do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế đã khẩn trương tổ chức đấu thầu và lựa chọn được các nhà thầu cung cấp thuốc cung ứng cho hàng nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thiếu thuốc phục vụ công tác điều trị diễn ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tổ chức đấu thầu 3 gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 và đã ra các Quyết định số 57/QĐ-TTMS, 58/QĐ-TTMS, 59/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gồm:
- Gói thầu số 01: Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022 2023 (mã hiệu: ĐTTT.01.2021) lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu;
- Gói thầu số 02: Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 (mã hiệu: ĐTTT.02.2021) lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu;
- Gói thầu số 03: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Nam giai đoạn 2022 2023 (mã hiệu: ĐTTT.03.2021) lựa chọn được 24 nhà thầu và 86 danh mục có đề xuất trúng thầu.
Cũng theo ông Lê Thanh Dũng, giá trúng thầu đã nêu là giá đã bao gồm tất cả các chi phí liên quan để thực hiện gói thầu như chi phí vận chuyển, bảo quản, bảo hành thuốc, các dịch vụ liên quan và các loại thuế, phí theo quy định.
Ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế - trao quyết định cho các đơn vị trúng thầu thuốc
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo – Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia – cho biết thêm về cách thức thực hiện: Đó là Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia ký thỏa thuận khung, các cơ sở y tế ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu.
Thời gian thực hiện thỏa thuận khung kể từ ngày ký đến hết 31/8/2024. Thời gian thực hiện hợp đồng giữa các cơ sở y tế và nhà thầu tính từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/8/2024. Trường hợp cần thiết, các cơ sở y tế và nhà thầu thỏa thuận thời gian thực hiện hợp đồng trước 1/9/2022 và hợp đồng có hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày ký.
Kết quả đấu thầu trên trên đã bước đầu giúp khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước.
Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu hàng loạt quy định từ Bộ Y tế
Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 2): Hành lang pháp lý chưa đồng bộ