Trang Chủ > Sức khỏe > Viêm tụy mạn tính: Ngoài bia rượu còn có yếu tố nào gây bệnh và dấu hiệu nhận biết

Viêm tụy mạn tính: Ngoài bia rượu còn có yếu tố nào gây bệnh và dấu hiệu nhận biết

Sức Khỏe và Đời Sống
19/08/2022 09:30:19

1. Viêm tụy mạn tính là gì?

Viêm tụy mạn tính là tổn thương tụy do nhiều yếu tố gây ra bởi tình trạng viêm tụy cấp tính, tình trạng này có thể phục hồi. Tuy nhiên nếu nhiều đợt viêm tụy cấp tính cùng xảy ra liên tiếp nhau là tình trạng viêm tụy mạn tính, khi đó sẽ dẫn đến những tổn thương không hồi phục, gây xơ hóa, mô tụy bị phá hủy và chức năng tụy bị rối loạn.

Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là viêm tụy do rượu (khoảng 70% trường hợp viêm tụy mạn là do rượu); do hóa chất từ thuốc lá hoặc môi trường sống, thuốc uống do rối loạn chuyển hóa do tăng calci máu, tăng lipid máu, suy thận mạn tính,… cũng là nguyên nhân gây ra viêm tụy mạn.

2.Biểu hiện của viêm tụy mạn tính

Viêm tụy mạn tính là một quá trình bệnh lý mà ở đó quá trình viêm và xơ hóa làm tổn thương cả nang tuyến tụy ngoại tiết đồng thời với tiểu đảo tụy nội tiết. Đau bụng , đau lưng là hai biểu hiện thường thấy nhất khi bị viêm tụy mạn. Đau bụng, đai tiện phân mỡ và tăng lượng đường trong máu, hình ảnh tổn thương tụy cũng có thể quan sát thấy trên chẩn đoán hình ảnh.

Tuy nhiên, đối với viêm tụy mạn, đau bụng thường âm ỉ, kéo dài và đau bụng thường biến mất khi bệnh trở nên nặng hơn. Vì vậy, khi thấy cơn đau bụng biến mất trong viêm tụy mạn là một dấu hiệu xấu vì nó có thể đồng nghĩa với việc tụy đã ngừng hoạt động.

Một số triệu chứng khác trong viêm tụy mạn là do những biến chứng lâu dài của nó như: sút cân, thiếu chất dinh dưỡng, xuất huyết dẫn đến thiếu máu hoặc tổn thương gan, gây vàng da hoặc tiêu chảy, phân có mỡ, sốt , buồn nôn, nôn, suy nhược, đi tiểu thường xuyên hoặc mờ mắt do thiếu insulin dẫn đến bệnh tiểu đường.

Viêm tụy mạn tính: Ngoài bia rượu còn có yếu tố nào gây bệnh và dấu hiệu nhận biết-1

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng viêm tụy mạn tính là viêm tụy do rượu.

3. Các yếu tố nguy cơ của viêm tụy mạn tính

Có nhiều yếu tố nguy cơ trong đó bao gồm:

- Do viêm tụy cấp: Viêm tụy cấp nặng và viêm tụy cấp tái diễn là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của viêm tụy mạn. Sau một đợt viêm tụy cấp, khoảng 10% bệnh nhân xuất hiện viêm tụy mạn, hay gặp hơn ở nhóm viêm tụy nặng (hoại tử), viêm tái diễn và bệnh nhân có uống rượu, hút thuốc lá.

-Yếu tố gia đình, các đột biến gen: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng của viêm tụy mạn, hay gặp nhất là đột biến gen PRSS1 gây bất thường men trypsin từ đó hoạt hóa các men tiêu hóa khác của tụy. Ở những gia đình này thường gặp người viêm tụy mạn rất sớm, đồng thời tăng nguy cơ ung thư tụy ở những người hút thuốc lá.

-Yếu tố viêm tụy tự miễn: Đây là tình trạng viêm tụy do tác động của yếu tố tự miễn, quá trình tổn thương này có thể bảo gồm cả cơ quan khác (typ 1) hoặc chỉ khu trú ở tụy (typ 2). Ở Typ 1 biểu hiện tăng globulin miễn dịch (IgG4), đặc trưng bởi tổn thương viêm xơ hóa không chỉ ở tụy mà còn thấy ở đường mật, tuyến nước bọt, khoang sau phúc mạc và cầu thận. Ở typ 2 tổn thương chỉ khu trú ở ống tụy, xét nghiệm IgG4 không tăng, thường kết hợp với viêm ruột.

-Yếu tố các chất độc chuyển hóa: Theo các nghiên cứu các chất độc chuyển hóa được liệt kê gồm rượu, thuốc lá và tăng triglycerid máu. Cho đến nay, chưa có một ngưỡng rõ ràng cho lượng rượu tiêu thụ có thể gây viêm tụy mạn nhưng một số nghiên cứu đưa ra tối thiểu uống 5 ly rượu trong 1 ngày và liên tục trong 5 năm là yếu tố nguy cơ.

Tuy nhiên chỉ một mình rượu không là yếu tố nguy cơ, nhiều trường hợp khi người bệnh biểu hiện viêm tụy cấp lần đầu đã có hình ảnh của viêm tụy mạn, đồng thời chỉ dưới 5% người uống rượu nhiều biểu hiện viêm tụy mạn. Điều đó cho thấy vai trò của các yếu tố phổi hợp khác trong bệnh sinh viêm tụy mạn, yếu tố kết hợp quan trong nhất phải kể đến thuốc lá (90% bệnh nhân viêm tụy mạn do rượu hút thuốc lá).

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tạo sỏi, suy giảm chức năng tụy ngoại tiết cũng như nội tiết và làm tăng nguy cơ ung thư tụy. Bên cạnh đó, người bệnh tăng triglycerid máu, suy thận do đái tháo đường hay bệnh lý tim phổi nặng cũng là yếu tố nguy cơ của viêm tụy mạn tính.

Các yếu tố khác: Các yếu tố u tụy, nang thành tá tràng và sỏi ống tụy và một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân viêm tụy mạn vô căn. Tùy thời gian biểu hiện bệnh có thể có chia thành thể sớm và muộn. Ở thể xuất hiện sớm, thường gặp bệnh nhân độ tuổi 20, đau là triệu chứng chủ yếu (90%), ít gặp các biểu hiện thực thể ở tụy như sỏi, suy chức năng tụy nội tiết cũng như ngoại tiết. Ngược lại, ở thể muộn hay gặp độ tuổi 56, ít đau (50%), hay gặp sỏi tụy và suy chức năng tụy.

4. Điều trị và phòng bệnh viêm tụy mạn tính

Khi bị viêm tụy cần được điều trị dứt điểm, không tự mua thuốc điều trị và không dùng thuốc không có nguồn gốc hoặc bởi người không có chuyên môn y học.

Việc điều trị tùy thuộc và từng bệnh nhân với nguyên tắc là dùng các loại thuốc thay thế chức năng tụy khi tụy bị suy giảm. Trong các trường hợp do tắc đường dẫn dịch tụy (sỏi, giun chui ống mật - tụy), cần phẫu thuật.

Để phòng bệnh viêm tụy mạn thì việc người bệnh cần chủ động kiêng rượu tuyệt đối. Đối với người bị viêm tụy mạn để giảm nguy cơ bị những cơn viêm tụy cấp tái phát, ngăn không cho tụy bị viêm nặng hơn và ngăn biến chứng, thậm chí gây nguy cơ tử vong việc kiêng rượu, bia, thuốc lá...là điều cần nghiêm túc thực hiện.

Ngoài ra cần hạn chế đến mức tối đa ăn mỡ động vật, chất béo, thức ăn nên chọn loại dễ tiêu, hàng ngày cần ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây và uống đủ lượng nước cần thiết.

Viêm tụy mạn là sự phá hủy, xơ hóa nhu mô tụy, tổn thương lan tỏa hoặc khu trú thành từng ổ. Hậu quả lớn nhất của viêm tụy mạn là hạn chế hoặc không sản xuất insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường không đảm bảo chức năng tiết men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến người bệnh suy dinh dưỡng hoặc gây nên các hậu quả của bệnh đái tháo đường (tổn thương mắt, tăng huyết áp, loét bàn chân…).

Điều đáng lo ngại nhất của viêm tụy mạn là gây tử vong. Theo một số tác giả, tỷ lệ tử vong có thể tới 50% trong vòng 20-25 năm, 15-20% tử vong do các biến chứng như dinh dưỡng kém, nhiễm trùng, chấn thương và có tới 4% phát triển thành ung thư tụy trong 20 năm. Chính vì vậy, khi bị viêm tụy cấp cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ. hoặc có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Cách Nào Để Giảm Cân Không Cần Cardio? | SKĐS