Trang Chủ > Sức khỏe > Ung thư không đáng sợ đến thế!

Ung thư không đáng sợ đến thế!

Sức Khỏe và Đời Sống
23/06/2022 20:27:42

Nhưng ung thư không đáng sợ đến thế khi chúng ta đủ sự can đảm, sức mạnh tinh thần và thực hiện phác đồ điều trị đúng đắn.

Con cái là cứu cánh của sự sống

Chị Hải Anh nhận được kết quả mình bị ung thư vú vào đúng ngày đặc biệt. Đó là ngày bé Gấu – con trai chị Hải Anh sinh nhật 2 tuổi, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Con cai sữa, hai mẹ con tách nhau ra mỗi người một phòng, nghe tiếng con khóc đòi bú, chị cũng khóc không ngớt.

Lẽ thường, khi người ta biết trong mình có căn bệnh hiểm nghèo thì sẽ rơi vào tuyệt vọng đến cùng cực nhưng với chị Hải Anh thì ngược lại. Chị biết, mỗi một giây tuyệt vọng sẽ khiến chị nhanh phải rời xa con mình.

Ung thư không đáng sợ đến thế!-1

Tổ ấm hạnh phúc của Hải Anh.

"Khi biết mình bị ung thư vú, tôi đã rất sốc. Tôi bị khi con còn quá nhỏ, tuổi thanh xuân còn dang dở. Từ ngày tôi đi Sài Gòn để điều trị bệnh, không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi. Tôi chỉ mang theo hi vọng khỏi bệnh để về với con", chị Hải Anh nói.

Bé Gấu là nguồn sống của chị Hải Anh. Bé được sinh ra sau những mất mát của gia đình. Vợ chồng chị cưới nhau lâu nhưng khó có con. Hai năm sau ngày cưới, chị mang bầu bé gái đầu. Không may mắn, đứa bé bị sinh non lúc 5 tháng, chị Hải Anh đã không giữ được con. Một năm sau, chị mang thai bé Gấu rất vất vả, chị phải nằm một chỗ đến tận lúc bé ra đời. "Vậy nên cu Gấu là tất cả đối vợ chồng tôi, nên chỉ cần được ở gần con thì tôi như có một sức mạnh vô hình giúp mình vượt qua tất cả khó khăn", chị tâm sự.

Suốt 22 ngày, chị Hải Anh bắt xe ôm đi xạ trị. 22 ngày mà chị cảm giác như vài tháng đã trôi qua. Chị phải trải qua ca mổ, truyền 8 mũi hóa chất và 16 tia xạ trị. Ngày kết thúc tia xạ thứ 16 cũng là dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 sắp đến. Chị Hải Anh nhẩm tính mình đã xa con hơn 20 ngày, chị mừng thầm vì sắp được về với con.

Chị Hải Anh ra viện trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình, cả nhà tổ chức ăn mừng, mọi người chúc mừng chị đã chiến thắng căn bệnh ung thư. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", 6 tháng sau khi ra viện, ăn Tết xong, chị thấy mình ho nhiều, chân đau hơn. Chị chỉ nghĩ mình bị di chứng sau xạ trị. Nhưng khi đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận bệnh ung thư của chị tái phát và đã di căn xa.

Ung thư không đáng sợ đến thế!-2

Hiện nay, Hải Anh vẫn đang phải trải qua những đợt xạ trị liên tục.

Kết luận của bác sĩ như tiếng sét đánh ngang tai, chị Hải Anh lại rơi vào tuyệt vọng. Chị sút 4kg chỉ sau một đêm, người như chỉ còn bộ xương. Lúc ấy, trong chị chỉ còn lại nỗi sợ hãi và thương con. Chị bắt đầu nghĩ đến những ngày tháng sau này con không có mẹ.

Nhưng điều làm chị thức tỉnh chính là nụ cười, giọng nói của cậu con trai văng vẳng bên tai: "Mẹ ơi, mẹ đừng đi bệnh viện nữa nhớ!". Xốc lại tinh thần, chị xác định mình phải bước tiếp trên hành trình đi tìm sự sống. Mỗi ngày trôi qua với căn bệnh ung thư, chị lại ước mình có thêm một ngày nữa để sống, để chăm con cho đến khi bé Gấu có thể tự vệ sinh cá nhân.

"Đó là những ngày có thể coi là ám ảnh với cuộc đời tôi. Lúc mới điều trị, tôi bị sợ. Ai cũng bảo truyền hóa chất mệt lắm, nhưng sau khi tôi trải qua, đúng là có mệt nhưng vẫn có thể vượt qua. Giúp tôi vượt qua được là những người thân bên cạnh mình, khiến mình càng có động lực để chịu đựng sự mệt mỏi ấy", chị nói.

Chị Hải Anh bị tái phát và di căn ung thư đúng vào thời điểm thành phố bùng dịch. Không được gặp con trong suốt một thời gian dài khiến tinh thần chị đi xuống rất nhanh.

Chị vẫn nhớ như in cái cảm giác "cồn cào" đó: "Ba tháng không được về nhà gặp con, lòng tôi đau như cắt từng khúc ruột". Bỏ qua mọi sự ngăn cản, chị vẫn quyết định vượt hơn 600 cây số để về nhà trên chiếc xe máy. Hai vợ chồng trải qua 30 tiếng đi xe máy trong mưa gió lạnh, không điểm ăn uống, không chỗ nghỉ ngơi.

Về đến tỉnh nhà, vợ chồng chị lại phải cách ly 28 ngày mới được gặp con. Cứ nghĩ đến con, là chị lại khao khát sống, sống và sống tiếp! "Nếu chúng ta đặt ra động lực sống có nghĩa, thì không gì là không thể vượt qua", đứa con trai làm cho sự sống của chị có ý nghĩa hơn, chị khẳng định.

Đã có lúc, chị không thể tự đi vệ sinh được, đau đớn suốt ngày đêm. May mắn của đời chị là có một người chồng luôn sẵn lòng kề bên để san sẻ, thấu hiểu, giúp chị vượt qua những ngày "bão giông" nhất trong đời. Chồng chị Hải Anh ít nói. Ngày phát hiện chị bị K, anh bàng hoàng nhưng không khóc mà chỉ im lặng. Anh chỉ dám động viên chị qua tin nhắn, vì anh biết nếu nói ra, cả hai sẽ chỉ biết ôm nhau khóc.

Có lần chị Hải Anh hỏi: "Sao em không thấy anh khóc?". Chồng chị đáp: "Nếu giờ anh cũng khóc thì em biết dựa vào đâu? Anh không nói nhiều, nhưng anh luôn bên em, giúp em vượt qua từng khó khăn. Những ngày chăm em mổ, lúc em đau, em khó chịu, em cau có và mắng mỏ anh, anh cũng vẫn bên em".

Chị Hải Anh đã phải cắt bỏ một bên vú và nạo vét hạch. Những ngày đầu sau ca phẫu thuật, chị không dám soi gương. Dễ hiểu, vì đó là cái cảm giác kém may mắn nhất của những người từng mất đi một phần sứ mệnh của chính mình. "Khi ấy tôi cảm thấy mình xấu xí và thật ghê. Nhưng về sau, tôi nghĩ khi chúng ta đánh đổi để giành giật sự sống, thì những khiếm khuyết đó không là gì nữa rồi", chị tự tin.

"Ngày xưa tôi bon chen bao nhiêu thì bây giờ lại sống thoải mái bấy nhiêu. Sau khi bị bệnh, tôi thấy mình trân trọng cuộc sống và gia đình mình hơn những cuộc vui không giá trị. Ai ai cũng sống vội vã trên dòng đời tấp nập, hãy học cách sống chậm lại và trân quý những tình cảm vô giá mà mình đang có".

Chủ động ứng phó

Bà Nguyễn Thị Hương Trà (sinh năm 1959, cán bộ hưu trí) đến tận giờ phút này vẫn không thể quên được những xúc cảm về ngày đầu khi biết mình bị mắc ung thư vú. Tháng 7/2020, trong một lần tắm theo phản xạ tự nhiên, bà đã phát hiện mình bị ung thư vú khi vuốt hai bên ngực và phát hiện một u nhỏ kèm cảm giác đau.

Đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm, sau 3 tiếng chờ đợi như kéo dài trong quãng đời của chính bà, bà đã được các bác sĩ kết luận 90% là mắc bệnh ung thư vú.

Ung thư không đáng sợ đến thế!-3

Bà Trà luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chồng.

Bà nhớ lại: "Khoảnh khắc đó tôi chỉ kịp điện về cho chồng để thông báo đã bị K và chân tay run cầm cập rồi òa khóc như một đứa trẻ. 15 phút sau chồng tôi có mặt để làm thủ tục. Dù đã nghe nói nhiều về bệnh ung thư những khi biết được kết quả, tôi đã tự chặn tất cả các đầu dây liên hệ đến tất cả những người thân trong gia đình. Điều liên tục suy nghĩ về việc một ngày không xa mình sẽ phải rời xa gia đình, người thân bao trùm lấy tất cả tâm hồn tôi khiến tôi như nghẹt thở".

Có lẽ, khoảnh khắc đặc biệt nhất trong xuyên suốt quá trình điều trị của bà Hương Trà là khi nhìn thấy những bệnh nhân vừa mới hóa trị xong, vui đùa với những cái đầu trọc lóc: "Khi nhìn thấy những bệnh nhân vừa trải qua hóa trị với đầu tóc trọc, mặt mũi xanh xao nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan. Tôi đã xác định lại rằng mình phải vững tâm lý và làm chủ tinh thần. Biết đâu, khi đó mọi thứ sẽ đều ổn định trở lại. Khi mình buồn và suy sụp thì chồng con cũng có vui đâu, tôi chủ động ứng phó với mọi điều ngay từ khoảnh khắc đó. Tôi tự nhắc mình "Phải sốc lại tinh thần thôi Trà ơi".

Một tháng sau khi bước ra khỏi phòng mổ, bà Trà bước vào giai đoạn hóa trị. Khoảnh khắc về những tháng ngày "cảm giác như có hàng nghìn con giòi bò trong người" vẫn chưa lúc nào khiến bà hết ám ảnh. Đó là ngày thứ ba hóa chất đi vào cơ thể, bà đã không chịu nổi những cơn đau nhức. Những cơn nôn ói làm người bà mệt lả, ruột nóng ran, miệng khô không ăn được gì. Người nhà xay nhuyễn cháo, cắm ống cho bà hút.

Ngày thứ 16 làm hóa trị, bà Trà thấy tóc mình bắt đầu rụng nhiều hơn. Một vài người mách bà nên cạo hết tóc để sau này tóc mọc lên đều và đẹp. Như bao bệnh nhân khác, bà Trà đã quyết định cạo bỏ mái tóc mà bà luôn giữ gìn, chăm sóc bao năm nay. Nhìn từng sợi tóc rơi xuống cho đến khi đầu trọc lóc, bà ôm lấy con trai rồi khóc nức nở.

Ở điểm cuối của bi kịch, bà nhận ra phần phước lớn của đời mình khi có được sự quan tâm của người thân trong gia đình. Tiếp điểm đó khiến bà thêm lần nữa quyết tâm phải chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác đang từng ngày hành hạ mình.

Ung thư không đáng sợ đến thế!-4

Tinh thần lạc quan đã trở thành liều "thuốc tiên" giúp bà Trà hồi sinh sự sống sau những tháng ngày bạo bệnh.

Trong suốt 8 tháng làm hóa trị, niềm vui của bà Hương Trà là chụp hình. Bà đã chọn cách sống lạc quan. Sau mỗi lần hóa trị "hành" cơ thể bà khoảng 5- 7 ngày, biết sở thích của mẹ, chờ mẹ đỡ mệt, hai cậu con trai lại tìm những quán cà phê có không gian đẹp cho mẹ chụp hình. Cậu khen mẹ để đầu trọc đẹp lắm. Cậu lại nhắn nhủ "khi nào mệt thì mẹ đăng lên Facebook để không ai biết mẹ đang mệt và bệnh nhé".

"Khi tôi đăng ảnh lên, ai cũng khen đẹp. Thế là tôi tự tin với đầu của mình và chưa bao giờ cần đội tóc giả", bà Hương Trà nhớ lại thời gian chủ động thích nghi với bạo bệnh của mình.

Bà tham gia mạng lưới những người cũng mang bệnh ung thư để cùng nhau chia sẻ những năng lượng tích cực. Cứ thế, bà dần làm chủ và chiến thắng bệnh ung thư. Dù di chứng của hóa trị khiến bà thi thoảng đau nhức và hay quên nhưng như bà nói "dù có quên gì thì cũng không được quên yêu đời" thì mọi thứ vẫn ổn.

Cả bà Hương Trà và chị Hải Anh đều đã rơi vào một bi kịch rất lớn của cuộc sống là mắc bệnh ung thư. Nhưng, cả hai đều đã có thể mạnh mẽ vươn lên bằng công thức của niềm tin và hy vọng, tin tưởng tuyệt đối vào phác đồ điều trị của các y, bác sĩ . Niềm tin do chính họ đặt ra để níu lại sự sống, để sống từng phút giây rạng ngời, ý nghĩa...

Với bà Hương Trà, điều quan trọng nhất với những bệnh nhân bị ung thư đó là sự chủ động thích ứng và thay đổi. Thích ứng khi biết mình có bệnh, thích ứng với những chuyển biến của cơ thể, với phương pháp điều trị và đặc biệt là chủ động làm quen tâm lý khi có bệnh. Nếu như vậy, mình sẽ hoàn toàn có thể chủ động để vượt qua được mọi cú sốc của bệnh tật và may mắn sẽ tiếp tục được gõ cửa.

Xem thêm video đang được quan tâm

Đừng để cháy nắng làm hỏng làn da của bạn