Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay trong tuần này, số ca tử vong do Covid-19 trong năm nay đã chính thức vượt qua con số 1 triệu người.
"Chúng ta không thể nói rằng chúng ta đang học cách sống chung với Covid-19 khi 1 triệu người đã chết vì Covid-19 chỉ trong năm nay, khi chúng ta đã 2 năm rưỡi bước vào đại dịch và có tất cả các công cụ cần thiết để ngăn chặn những cái chết này" - Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh trong bài phát biểu được WHO chuyển tới các cơ quan truyền thông.
Theo thống kê của WHO, tuần qua thế giới đã có thêm 14.310 người tử vong do Covid-19, tức hơn 2.000 ca mỗi ngày. Con số này đã khiến tổng số người tử vong do đại dịch Covid-19 vượt con số 1 triệu người, mà Tổng Giám đốc WHO gọi là "mốc bi thảm".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: WHO.
Vì vậy, một lần nữa tiến sĩ Tedros đại diện tổ chức của Liên Hiệp Quốc này đưa ra lời kêu gọi các chính phủ nỗ lực tăng cường tiêm chủng, đặc biệt là ở những nước cho đến nay tỉ lệ bao phủ của vắc-xin Covid-19 còn thấp.
Vào tháng 1 năm nay, WHO, UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc) và các đối tác đã thành lập Đối tác phân phối vắc-xin Covid-19 để đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở 34 quốc gia có tỷ lệ bao phủ dưới 10% - hầu hết các quốc gia này ở châu Phi.
Chiến dịch đã đạt được nhiều thuận lợi dù nhiều quốc gia sau đó phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nhân đạo (nạn đói do hạn hán nghiêm trọng vẫn đang bao phủ vùng Sừng châu Phi).
"Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa. 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, bao gồm 2/3 nhân viên y tế và 3/4 người lớn tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp nhất" - Tiến sĩ Tedros cho biết.
Với các nước đã có khả năng tiếp cận nguồn vắc-xin, tuần trước WHO cũng đưa ra khuyến nghị những nước nào chưa bắt đầu chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) nên bắt đầu ngay bây giờ, trong đó người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, thai phụ và nhân viên y tế cần được ưu tiên.
Theo Tổng Giám đốc WHO, số tử vong do dịch Covid-19 hiện tại tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn là mức "không thể chấp nhận được" trong bối cảnh nhân loại đã có rất nhiều công cụ để đối phó với căn bệnh như vắc-xin và thuốc điều trị.
"Tất cả các quốc gia ở mọi mức thu nhập phải làm nhiều hơn nữa để tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất, đảm bảo tiếp cận các phương pháp điều trị cứu sống, tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự, đưa ra các chính sách phù hợp, tương xứng để hạn chế lây truyền và cứu sống người bệnh" - Tiến sĩ Tedros nói và nhấn mạnh rằng đó là cách tốt nhất để thúc đẩy sự phục hồi bền vững.