Một năm sau đại dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, dường như mọi thứ của thành phố đã quay trở lại với guồng quay của cuộc sống, với sự nhộn nhịp, sôi động như ngày xưa. Đó là dấu hiệu cho thấy làn sóng hồi sinh đang lớn lên từng ngày sau những năm tháng khó khăn ấy.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ:"Có lẽ đây là khoảng thời gian mà tôi không bao giờ có thể quên được trong trong đời mình. Tôi cũng như các đồng nghiệp chưa bao giờ trải qua cuộc chiến nào gam go như vậy. Chưa bao giờ chúng tôi phải đối diện với nhiều cái chết tới vậy. Phải nói là COVID-19 đi qua để lại cho chúng tôi sự ám ảnh rất lớn.
Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, nhìn thấy thành phố đang trở mình để thay đổi, thấy các bé đã từng được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E cách đây một năm vẫn khỏe mạnh thì chúng tôi rất đỗi tự hào vì sự cố gắng của mình thời gian qua đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người".
H.O.P.E - hy vọng cho sự hồi sinh mãnh liệt
Nếu như năm 2020 rất ít bà bầu và trẻ em bị nhiễm COVID-19 thì tới thời điểm cuối tháng 7/2021, khi dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng tại TP.HCM thì số thai phụ nhiễm COVID-19 lại tăng lên một cách chóng mặt. Lúc bấy giờ, số thai phụ nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương tăng từ 50 ca/ ngày lên tới 200 ca/ ngày. Khoảng thời gian cao điểm bệnh viện đã tiếp nhận tới 250 ca/ ngày.
Trung tâm H.O.P.E được lập ra để chăm sóc và theo dõi cho các trẻ em có mẹ bị nhiễm COVID-19
Những ngày cuối tháng 7 tại TP.HCM, rất nhiều trung tâm, Bệnh viện Dã chiến đã được thành lập để hỗ trợ điều trị kịp thời cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nhận thấy số lượng thai phụ nhiễm COVID-19 nhập viện theo dõi, điều trị tại bệnh viện ngày càng đông. Với chuyên môn về phụ sản của mình, Bệnh viện Hùng vương cũng đã nhanh chóng thành lập Trung tâm H.O.P.E để tiếp nhận điều trị, chăm sóc và theo dõi cho các bé có mẹ bị nhiễm bệnh.
Ngày 25/8, tại khuôn viên Trường Mầm non Họa Mi 2 (số 11 đường Lý Thường Kiệt, quận 5, TPHCM) Trung tâm H.O.P.E bắt đầu đi vào hoạt động chỉ sau một tuần lên kế hoạch. Các y bác sĩ, y tá, bảo mẫu và tình nguyện viên đã thay thế gia đình chăm sóc các bé có mẹ mắc COVID-19 nhưng chưa có người nhà tới đón. Trung tâm đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho rất nhiều bà mẹ, gia đình trong khoảng thời gian khó khăn này.
Các y bác sĩ, bảo mẫu và tình nguyện viên đã chăm sóc các bé tại H.O.P.E bằng tất cả lòng yêu thương của mình
Thời gian đầu hoạt động, bên cạnh những lợi thế về mặt chuyên môn trong việc chăm sóc các bé sơ sinh thì trung tâm cũng gặp rất nhiều những khó khăn trong quá trình chung tay chia lửa cùng thành phố.
Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, vì là bệnh viện phụ sản cho nên các nhân viên y tế của bệnh viện không được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên ngành chuyên sâu trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu các bệnh lý về hô hấp, nhiễm trùng, bệnh lý truyền nhiễm. Bên cạnh đó, Bệnh viện Hùng Vương cũng thiếu rất nhiều các loại máy móc, trang thiết bị về hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân. Ngoài ra, vấn đề về nhân lực, nhân viên y tế cũng là một trong những khó khăn mà trung tâm gặp phải.
Phần lớn các bảo mẫu, tình nguyện viên tham gia chăm sóc cho các bé tại trung tâm đều có tuổi đời rất trẻ và chưa lập gia đình nên bệnh viện phải tiến hành tập huấn, hướng dẫn từ khâu cho bé bú, thay tả, tắm cho bé...Vậy nên quá trình chăm sóc và theo dõi cho các bé tại Trung tâm H.O.P.E chúng tôi cũng gặp rất nhiều thách thức.
Bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ
Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm H.O.P.E luôn trong tình trạng quá tải, lượng bệnh nhân ngày càng đông, số trẻ được chăm sóc tại trung tâm cũng theo đó mà tăng lên. Trước khi trả các bé về cho gia đình thì trẻ sẽ được theo dõi trong vòng 72h tại trung tâm, trung tâm sẽ cho trẻ thực hiện các xét nghiệm để xác định trẻ có bị nhiễm bệnh hay không. Sau đó các em sẽ được người nhà tới đón hoặc gặp lại mẹ sau khi mẹ khỏi bệnh.
Số trẻ được chăm sóc tại trung tâm ngày càng đông, trong 3 tháng hoạt động H.O.P.E đã chăm sóc cho 278 trẻ
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, có rất nhiều bé đủ điều kiện để về nhà nhưng người nhà lại không thể đón bé về vì bị hạn chế đi lại theo chỉ thị của thành phố hay người nhà cũng đang bị nhiễm bệnh. Vậy nên, số trẻ được chăm sóc tại trung tâm ngày càng đông và vượt quá số lượng dự kiến. Số nôi đã chuẩn bị cho các bé tại đây không đủ, nhiều bé đã phải nằm trên các nôi tre được sắp xếp trên giường của người lớn....
Bác sĩ Diễm Tuyết xúc động kể lại, có rất nhiều thai phụ tưởng chừng như không thể vượt qua khỏi nhưng rồi họ đã vượt qua một cách ngoạn mục. Chứng kiến cảnh đoàn tụ của nhiều gia đình, khi các bà mẹ ôm trên tay đứa con của mình sau nhiều ngày xa cách chúng tôi cũng cảm thấy vui và hạnh phúc lây.
"Những ngày tháng đó chúng tôi làm việc với tâm trạng hồi hộp, lo lắng nhưng bằng tất cả lòng yêu thương của mình các y bác sĩ, các bảo mẫu và tình nguyện viên đã chăm sóc cho 278 trẻ có mẹ nhiễm COVID-19 như chính những đứa con của mình. Trung tâm chỉ hoạt động vỏn vẹn trong vòng 3 tháng, ngày trung tâm thông báo đóng cửa dường như ai ai cũng vui mừng vì đây là dấu hiệu chứng minh rằng cuộc sống đang dần quay về bình thường mới. Kết thúc để bắt đầu cho một hành trình mới, hành trình hồi sinh sau đại dịch COVID-19", bác sĩ Diễm Tuyết tâm sự.
Mạnh mẽ vượt qua khó khăn thời "hậu COVID-19"
Một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương cũng như hầu hết các bệnh viện khác đều gặp phải những khó khăn về mặt kinh tế, nhân lực sau khoảng thời gian dài chống dịch.
Bệnh viện Hùng Vương đã và đang nỗ lực từng ngày để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 để lại nhằm mang tới cho bệnh nhân những dịch vụ tốt nhất
Sau dịch, Bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành tổ chức, thiết lập lại bệnh viện để có thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ phục vụ cho bệnh nhân song song đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh vẫn được diễn ra an toàn và nghiêm ngặt.
Đối diện với tình trạng kiệt sức, căng thẳng của các nhân viên sau đại dịch, bệnh viện cũng đã tổ chức các chương trình, các hoạt động để giúp cho nhân viên của mình vượt qua những khó khăn trong giai đoạn "hậu COVID-19" này. Bệnh viện đã mời các chuyên gia tâm lý để tư vấn cho nhân viên, sáng tạo ra các cái sản phẩm, các đầu sách, các tranh ảnh và các ứng dụng để giải tỏa tâm lý áp lực cho nhân viên. Bên cạnh đó bệnh viện cũng đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, sắp xếp những chuyến du lịch cho nhân viên để giải tỏa căng thẳng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, hiện nay, mọi hoạt động của bệnh viện đã thích ứng được tình hình mới. Mặc dù dịch bệnh được cho là đã tạm ổn định nhưng bệnh viện vẫn còn duy trì một số khu vực cách ly bệnh nhân để phòng trường hợp phát hiện bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 trong quá trình thăm khám và điều trị tại bệnh viện.
Dù dịch bệnh đã tạm ổn nhưng bệnh viện cũng đã lên các phương án dự phòng để luôn chủ động trước mọi diễn biến của dịch.
Bệnh viện luôn trong trạng thái đề cao cảnh giác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch trong thời gian sắp tới. Bệnh viện đã đề ra các phương án, kế hoạch hoạt động, nguồn nhân lực và các trang thiết bị để đối phó với dịch nếu như dịch quay trở lại.
Có thể thấy rằng, đại dịch COVID-19 đi qua đã để lại rất nhiều khó khăn cho đất nước đặc biệt là ngành y tế. Tuy nhiên, qua đó chúng ta lại càng tự hào hơn với truyền thống "lá lành đùm lá rách", đoàn kết, chung tay của nhân dân. 278 bé đã mạnh mẽ trải qua những ngày đầu đời của mình một cách an toàn và khỏe mạnh tại Trung tâm H.O.P.E là minh chứng rõ nhất cho thấy khát khao sống, vượt qua số phận để chờ một ngày nắng lên trỗi dậy và hồi sinh.
Hồi sinh kỳ diệu từ nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
SKĐS- “Một năm sau khi đại dịch được cho là đã tạm ổn, chúng tôi không ngờ TP. Hồ Chí Minh có thể quay về được như ngày hôm nay. Sự nỗ lực, đoàn kết của cả dân tộc đã tạo nên sự hồi sinh vô cùng mãnh liệt sau dịch COVID-19”, PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) chia sẻ.