Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ dậy thì sớm có biểu hiện gì, cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con dậy thì sớm?

Trẻ dậy thì sớm có biểu hiện gì, cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con dậy thì sớm?

Gia Đình Mới
17/09/2022 10:21:16

Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ

Bé gái Đ.V. (7 tuổi, ở Nghệ An) có biểu hiện lớn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa, xuất hiện dấu hiệu đau ngực nên gia đình đã đưa bé đến BV Sản Nhi Nghệ An để thăm khám.

Tại đây, bé được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp phim, đo hoóc-môn, đo tuổi xương. Kết quả cho thấy, các chỉ số của con đều đang trong độ tuổi dậy thì, cao hơn tuổi thực của trẻ. Do đó, bé được chỉ định điều trị, ức chế dậy thì.

Không chỉ riêng trường hợp bé V., từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng khoa Khám bệnh (BV Sản Nhi Nghệ An) tiếp nhận gần 100 trẻ đến khám vì có biểu hiện dậy thì sớm, trong đó, có khoảng 60 cháu phải điều trị dậy thì sớm. Đáng lo ngại, con số này có chiều hướng gia tăng so với các năm và bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Theo các bác sĩ, một số biểu hiện nhận biết dậy thì sớm ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý như:

- Ở bé gái: Xuất hiện các đặc tính sinh dục phụ trước 8 tuổi: Vú to, ra dịch âm đạo, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.

Trẻ dậy thì sớm có biểu hiện gì, cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con dậy thì sớm?-1

Xuất hiện các đặc tính sinh dục phụ trước 8 tuổi ở bé gái là dấu hiệu trẻ dậy thì sớm. Ảnh minh họa

- Ở bé trai: Xuất hiện các đặc tính sinh dục trước 9 tuổi: Tinh hoàn to, Dương vật dài, thay đổi giọng nói ở bé trai, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, mụn trứng cá, vỡ giọng…

Dậy thì sớm ảnh hưởng đến trẻ thế nào?

Trẻ dậy thì sớm thường dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm, sinh lý và chiều cao của trẻ. Do các em còn nhỏ, chưa hiểu biết và nhận thức đầy đủ về cơ thể, sự phát triển của cơ thể và giới tính.

Với sự thay đổi cơ thể nhanh, khác biệt lớn so với các bạn cùng tuổi sẽ tạo nên tâm lý ngại ngùng, bất an cho trẻ; trẻ dễ bị trêu chọc, thậm chí quấy rối, lạm dụng tình dục, nhất là bé gái.

Đồng thời, trẻ dậy thì sớm thường có chiều cao thấp hơn so với trẻ dậy thì đúng độ tuổi (khoảng 12 cm– 20 cm). Bởi trong giai đoạn dậy thì, xương của trẻ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng. Vì sau dậy thì, xương gần như không phát triển nữa.

Để tốt cho sự phát triển thể chất, tâm sinh lý của trẻ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, nên theo dõi sức khỏe trẻ kỹ càng, cung cấp chế độ ăn uống khoa học, vui chơi lành mạnh, nếu con trẻ nhà mình có dấu hiệu dậy thì sớm thì nên đưa trẻ đến khám và tư vấn để có thể can thiệp điều trị sớm.