Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ chờ vắc-xin, vắc-xin 'nằm kho' chờ thủ tục

Trẻ chờ vắc-xin, vắc-xin 'nằm kho' chờ thủ tục

tin tức 24h hàng ngày
17/09/2022 10:16:29

Nhiều địa phương đang hết sạch vắc-xin sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế cho biết việc thiếu một số loại vắc-xin miễn phí là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng

Không chỉ ở TP HCM đang thiếu vắc-xin sởi và vắc-xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) như Báo Người Lao Động đã thông tin hôm 15-9, mà theo ghi nhận tại một số trạm y tế trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều tuần qua 2 loại vắc-xin này cũng đứt nguồn cung.

Chị Hoàng Vân Anh ở quận Đống Đa cho biết con trai chị 20 tháng tuổi, đến thời điểm tiêm vắc-xin DPT mũi 4 nhưng 2 lần ra phường đều không có vắc-xin. Không chờ được, chị đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ.

Trẻ chờ vắc-xin, vắc-xin 'nằm kho' chờ thủ tục-1

Tư vấn và tiêm vắc-xin cho trẻ ở TP HCM .Ảnh: HẢI YẾN

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc-xin sởi và vắc-xin DPT mũi 4 bắt đầu từ tháng 8-2022. Đây là 2 loại vắc-xin được sản xuất trong nước. Trong đó, vắc-xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất, vắc-xin DPT của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Điều đáng nói là trong kho của các nhà sản xuất có sẵn 2 loại vắc-xin trên nhưng hiện không thể sử dụng do vướng các quy định về thủ tục mua bán, cung ứng. Viện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã báo cáo Bộ Y tế về vấn đề này.

2,3 triệu liều vắc-xin chờ xuất xưởng

TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết hiện 800.000 liều vắc-xin DPT đã được đơn vị này sản xuất và được kiểm định sẵn sàng đưa vào sử dụng bất cứ lúc nào. "Theo đơn đặt hàng mới nhất mà chúng tôi nhận được, số lượng vắc-xin DPT được đặt hàng là 1,5 triệu liều. Trong số này, hiện đã có 800.000 liều được bảo quản trong kho sẵn sàng cung cấp, số còn lại đã sản xuất và đang đợi kết quả. IVAC chỉ là cơ sở sản xuất, khi được Bộ Y tế yêu cầu, đơn vị sẽ lập tức cung ứng vắc-xin" - ông Thái thông tin.

Tương tự, vắc-xin sởi hiện cũng đang nằm kho để chờ cung ứng. Theo ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc POLYVAC, trung tâm đang có 1,5 triệu liều vắc-xin sởi đã được kiểm định chất lượng từ giai đoạn tháng 4-2022 và sẵn sàng xuất xưởng. "POLYVAC đang phối hợp với Bộ Y tế hoàn tất các thủ tục cần thiết để cung cấp vắc-xin đến các điểm tiêm chủng" - ông Hiền nói.

Tại thông báo mới nhất Bộ Y tế cũng cho biết theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và một số địa phương, đang thiếu một số loại vắc-xin DPT và sởi do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng. Theo Bộ Y tế, hằng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước để cung ứng một số loại vắc-xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các vắc-xin được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các Viện Pasteur/ Vệ sinh dịch tễ khu vực, sau đó cung cấp cho các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vắc-xin được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng.

Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các đơn vị sản xuất vắc-xin khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vắc-xin cung ứng cho công tác tiêm chủng. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất vắc-xin khẩn trương xây dựng phương án giá vắc-xin năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh toán, quyết toán theo quy định.

Tiêm đúng lịch để củng cố miễn dịch cho trẻ

Theo đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng, DPT mũi 4 là vắc-xin tiêm nhắc lại cho trẻ 18-24 tháng nên trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. "Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì đối với một số vắc-xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm đi, có thể bé không có khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy, cần tiêm nhắc cho bé để hệ miễn dịch được tăng cường sức bảo vệ" - chuyên gia này khuyến cáo.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết hầu hết trẻ sinh ra trong những năm đầu đời đều có kháng thể bệnh sởi của mẹ truyền qua. Tuy nhiên, lượng kháng thể này giảm dần sau khoảng 6 tháng. Do đó, thời điểm 9 tháng cần tiêm vắc-xin sởi là để củng cố miễn dịch cho trẻ, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng. Nếu trẻ 9 tháng chưa được chủng ngừa thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng.

Theo bà Nga, bệnh sởi dễ lây truyền trên diện rộng. Khi người nhiễm bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện…, các giọt dịch tiết mũi họng chứa virus sởi sẽ phát tán ra không khí, bám trên các bề mặt và lây nhiễm. Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như viêm đường hô hấp, viêm tai mũi họng, tiêu chảy cấp, mù lòa, viêm màng não... dẫn đến tàn phế, thậm chí tử vong. Phụ nữ có thai khi mắc bệnh sởi có thể bị sẩy thai, sinh non.

Thiếu nhiều loại vắc-xin dịch vụ

Theo đại diện một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội, không chỉ vắc-xin sởi, DPT mà nhiều loại vắc-xin dịch vụ cũng rơi vào tình trạng khan hiếm.

Tại bảng cập nhật mới nhất về danh mục 21 loại vắc-xin mà Trung tâm Tiêm chủng dịch vụ thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố thì 2/3 hiện đã hết, trong đó có vắc-xin DPT, viêm gan B, cúm, viêm gan A, thương hàn, viêm màng não mô cầu BC...