Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ hoặc ghép thận.
1.Yếu tố khiến người bệnh đái tháo đường biến chứng thận
Theo nghiên cứu, tổn thương thận do đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn giai đoạn cuối tại các nước như Mỹ, Châu Âu và ngay cả các nước Châu Á với tỷ lệ thay đổi từ 24-45% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tổn thương thận do đái tháo đường nằm trong nhóm biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường.
Những yếu tố liên quan đến bệnh sinh của tổn thương thận là tăng đường huyết. Tăng đường huyết là điều kiện cần thiết, tuy nhiên không phải là duy nhất để cho tổn thương thận phát triển, tổn tại và tiến triển.
Yếu tố thứ hai là tăng lọc cầu thận ở bệnh nhân đái tháo đường, trực tiếp làm tăng lắng đọng các chất ở vùng ngoài tế bào, qua cơ chế tăng bộc lộ TGF-β, gây căng dãn tế bào trung mô, tăng hoạt hệ renin-angiotensin, và hệ thống protein kinase C.
Một yếu tố được các nhà nghiên cứu nhắc đến là tăng huyết áp thúc đẩy tiến triển bệnh thận do đái tháo đường. Do đó, kiểm soát tốt huyết áp sẽ làm giảm tiến triển đến tiểu albumine và từ tỉểu albumine vi lượng thành đại lượng.
Các biểu hiện tổn thương thận ở bệnh đái tháo đường thường âm thầm
Yếu tố di truyền cũng được các nhà nghiên cứu ghi nhận, trong một nghiên cứu ở nhóm người Pima Indian mà cả 2 thể hệ kế tiếp nhau (cha mẹ và con) đều bị đái tháo đường, nguy cơ của con đái tháo đường bị tiểu protein là 14% nếu không cha hoặc mẹ không tiểu protein, 23% nếu cha hoặc mẹ của bệnh nhân bị tiểu protein, và nguy cơ này sẽ tăng lên 46% khi cả cha và mẹ đều bị tiểu protein.
Bệnh nhân đái tháo đường trong gia đình có tiền căn tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch, sẽ tăng nguy cơ biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường.
Như vậy có thể nói các yếu tố nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường bao gồm: Tăng đường huyết, thời gian đái tháo đường, tăng huyết áp , tăng cholesterol, nam giới, hút thuốc lá, di truyền.
2. Dấu hiệu nhận biết tổn thương thận ở người bệnh đái tháo đường
Ở bệnh nhân đái tháo đường, ngay thời điểm xuất hiện tăng glucose máu và trước thời điểm xuất hiện protein niệu, người ta thấy chức năng và cấu trúc thận đã thay đổi ở hầu hết các bệnh nhân.
Tuy nhiên sau đó chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân sẽ dẫn đến tổn thương thận do bệnh đái tháo đường. Các biểu hiện lâm sàng của tổn thương thận khó tách biệt trên bệnh nhân đái tháo đường, tuy nhiên các biểu hiện cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán tổn thương thận do đái tháo đường.
Các biểu hiện tổn thương thận ở bệnh đái tháo đường thường âm thầm. Khi chức năng thận giảm, các biểu hiện thường là do sự ứ đọng muối khi đó bệnh nhân có biểu hiện phù, phù phổi, suy tim sung huyết; Tăng huyết áp khiến cho bệnh nhân có biểu hiện suy tim sung huyết, giảm thị lực do xuất huyết võng mạc, nhức đầu; thương tổn thần kinh -dị cảm hoặc mất cảm giác hoặc tăng ure máu với các biểu hiện ngứa, buồn nôn, nôn, mất ngủ, suy giảm trí tuệ, chuột rút...
Khi suy thận mức độ nặng, sự kết hợp giữa tăng ure máu với đái tháo đường làm tăng thêm triệu chứng của tổn thương đa cơ quan ở người bệnh đái tháo đường có biến chứng suy thận giai đoạn cuối.
Tăng huyết áp là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận, mức độ và tần suất tăng huyết áp liên quan đến mức độ suy giảm chức năng thận.
Phù và tiểu ít là hai biểu hiện thường đi kèm với nhau. Người bệnh đái tháo đường xuất hiện phù thường gợi ý đến có tổn thương cầu thận.
3. Khi nào người bệnh đái tháo đường có thể bị biến chứng thận?
Câu hỏi của nhiều người bệnh mắc đáo tháo đường đưa ra là vậy khi nào có thể gặp biến chứng ở thận. Sự lo lắng này gặp hầu hết ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi khám định kỳ.
Trên thực tế không phải người bệnh đái tháo đường nào cũng bị tổn thương thận. Tuy nhiên những người bệnh có thêm các vấn đề sau sẽ có nguy cơ tổn thương thận. Các vấn đề như: Glucose huyết không ổn định, HbA1c cao;
Tăng huyết áp;
Có rối loạn mỡ máu;
Tăng cholesterol máu;
Tuổi cao;
Ăn nhiều đạm;
Người bệnh là nam giới và yếu tố cuối cùng là trong gia đình có người bị tăng huyết áp nếu mắc đái tháo đường thì nguy cơ có thể bị biến chứng tại thận.
4. Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa tổn thương thận do đái tháo đường người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ.
Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc theo hướng dẫn, chế độ ăn hợp lý (kiêng đồ ngọt, hạn chế tinh bột như cơm, miến, khoai tây,…
Hạn chế mỡ động vật, bơ động vật. Hạn chế ăn muối, các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối như mì tôm, xúc xích, lạp xưởng,…).
Người bệnh cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít đường.
Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh. Không uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng chất kích thích.
Tập thể dục điều độ, ít nhất 5 ngày trong tuần, mỗi ngày khoảng từ 30 phút, tập vừa sức.
Video bạn có thể quan tâm:
Cách Nào Để Giảm Cân Không Cần Cardio? | SKĐS