Tuân thủ các khuyến cáo, ngăn nguy cơ “dịch chồng dịch” Huyện Mê Linh: Tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết Không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà |
Vừa qua, đoàn công tác Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại huyện Đan Phượng.
Theo báo cáo từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng ghi nhận 65 ca mắc SXH. Số mắc bệnh tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (65 ca/28 ca). Trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong tại thị trấn Phùng được chẩn đoán, nhận định do mắc bệnh SXH. Lũy kế từ 1/1/2022 đến nay, trên địa bàn huyện có 12 ổ dịch.
Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Ảnh: Thắng Đạt).
Huyện Đan Phượng đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Huyện đã thành lập 16 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXH; đồng thời kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên/tổ phòng, chống SXH cộng đồng/đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy). Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn.
Công tác điều tra, giám sát được triển khai 100% các ổ dịch cũ; khi có ca mắc mới/ổ dịch tại các khu vực có nguy cơ cao được quan tâm và chú trọng. 16/16 xã, thị trấn tiếp tục về sinh môi trường hàng tuần tại các thôn, cụm, ngõ, các hộ gia đình, đặc biệt tập trung triệt để xử lý ổ dịch mới phát sinh nơi ở của các ca mắc mới... Qua công tác vệ sinh môi trường và giám sát, Tổ giám sát đã kiểm tra 202 lượt, 159.776 hộ đã được kiểm tra...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu huyện Đan Phượng đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Trong đó, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo quyết liệt, huy động các đơn vị liên quan cùng vào cuộc chống dịch, xử lý các ổ dịch cũ và ổ dịch mới phát sinh.
Trong đó, Tung tâm Y tế huyện Đan Phượng cần tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch. Giám sát véc tơ bao gồm những khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao. Điều tra, xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác vệ sinh môi trường.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cần làm tốt việc phân luồng khám bệnh, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân... hạn chế các trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Riêng đối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh SXH tại các địa phương; tổ chức tập huấn và chủ động phối hợp với Trung tâm y tế tăng cường việc kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế dịch bùng phát trên địa bàn.
Còn tại huyện Mê Linh, theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện, từ 8/8 - 30/8, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 2 ổ dịch SXH tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh và thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã nhanh chóng xử lý ổ dịch, xác minh dịch tễ về ca mắc SXH, giám sát véctơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân thường trú. Đồng thời, thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi các hộ gia đình trong bán kính 200m nhằm tránh mầm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.
Huyện đã quyết liệt xử lý ổ dịch, các xã kích hoạt đội xung kích tiến hành vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy tại các điểm có nguy cơ cao. Đến nay, hai ổ dịch đã được khoanh vùng xử lý. Trạm Y tế xã Mê Linh và Trạm y tế xã Hoàng Kim tiếp tục giám sát chặt chẽ người nghi mắc SXH tại khu vực có ổ dịch. Tăng cường tuyên truyền để người dân biết và chủ động phối hợp với chính quyền, ngành Y tế tích cực, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Nhân viên y tế phun thuốc chống dịch sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 8 tháng năm 2022, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 1.400 ca mắc SXH (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021) nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc SXH cao như: Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì… Type vi rút gây bệnh phát hiện được trong năm 2022 là Dengue 1 và Dengue 2. Theo nhận định, dịch SXH sẽ gia tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10 tới. Hiện, số ca mắc SXH đang tăng khoảng 20%/tuần.
Theo dự báo, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm, số mắc tăng nhanh theo từng tuần (bắt đầu tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8-9, thường đạt đỉnh vào tháng 10); dịch SXH có thể bùng phát sau 4 – 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).
Nhằm ngăn chặn không để dịch SXH bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát dịch tễ, đánh giá đúng tình hình dịch, phát hiện sớm ổ dịch và ca bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng...
Cùng với đó, rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư… bảo đảm đủ cho nhu cầu phòng, chống dịch SXH. Riêng đối với các cơ sở y tế, các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Đến nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời... |