Say nắng khác với say nóng thế nào?
Thời tiết nóng bức, nhiệt độ và độ ẩm quá cao là điều kiện rất thuận lợi để phát sinh tình trạng say nắng, say nóng. Đặc biệt đối với những người phải chịu sự tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời (say nắng) hoặc làm việc ở chỗ nóng (say nóng) quá lâu, mà điều kiện bảo hộ lao động lại thiếu thốn hoặc không thích hợp.
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Chữa bệnh cho mẹ": Say nắng và say nóng giống nhau ở chỗ đều làm cho cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị ức chế dẫn đến tình trạng sốt cao, vã mồ hôi, mất nước, trụy mạch.
Điểm khác nhau là say nắng thường do nạn nhân trực tiếp ở dưới ánh nắng mặt trời, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da. Triệu chứng thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, khó thở, có khi đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.
Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 41°C - 42°C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng sẽ rơi vào mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
Say nóng thường do tia hồng ngoại của sức nóng (hầm mỏ, lò lửa, nhà xe, nhà mái tôn, trên tàu xe chật chội, nóng bức...) tác động lên cơ thể kéo dài. Các triệu chứng cũng như say nắng nhưng diễn tiến từ từ với mức độ nhẹ hơn.
Một số cách sơ cứu
Đem ngay nạn nhân ra khỏi chỗ nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát. Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt.
Dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, nếu phải vận chuyển người bệnh trong quá trình vận chuyển phải tiếp tục lau mát và để người bệnh nằm đầu nghiêng.
Cho uống nhiều nước như: nước oresol, nước trà loãng hoặc nước lọc pha đường muối (tỉ lệ 8g đường/1g muối), để bù các chất điện giải.
Nếu nặng, bất tỉnh nhân sự thì lập tức sơ cứu: dùng ngón tay cái lần lượt bấm mạnh huyệt nhân trung và thập tuyên hoặc chích nặn máu huyệt thập tuyên.
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn có thể chọn dùng một trong các biện pháp kích thích hồi tỉnh như: dùng lá hẹ tươi hoặc gừng tươi hoặc tỏi tươi, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước để nhỏ vào lỗ mũi.
Các bài thuốc từ kinh nghiệm dân gian
Cháo giải cảm nắng gồm gạo tẻ nấu với một trong các chất liệu lá sen tươi, đậu xanh, bột hoặc củ sắn dây, lá hương nhu tươi; có thể thêm thịt heo nạc băm nhỏ.
Cháo lá sen tươi gồm lá sen rửa sạch, xắt nhỏ, sắc với 500ml nước cho đến khi còn 200ml, lấy nước bỏ bã; thêm 100g gạo tẻ vào nấu thành cháo, thêm ít đường phèn và để ăn trong ngày.
Cháo gồm bột sắn dây 16g, gạo tẻ 100g; nấu gạo tẻ thành cháo rồi hòa sắn dây vào, có thể thêm ít đường, ăn trong ngày.
Lá hương nhu tươi 50g (khoảng 1 nắm), muối ăn 1g; hương nhu cho muối vào giã nát, đổ vào 150ml nước nấu sôi để nguội, nghiền kỹ, dùng vải thưa sạch lọc vắt lấy nước uống cả một lần; sau 2 - 3 giờ, nếu người bệnh còn mệt, còn khát nước, cho uống thêm một lần nữa.
Lá tre tươi 30g, lá hương nhu tươi 30g, gừng tươi 3 lát; tất cả cho vào ấm sắc với 300ml nước còn 200ml, cho người bệnh uống cả một lần
Lá tre tươi 12g, hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, củ sắn dây 12g; tất cả cho vào ấm, sắc với 300ml nước lấy một nửa.
Cách phòng chống
Đảm bảo nhu cầu nước uống (tốt nhất là pha muối lỏng hoặc oresol) hằng ngày, ăn nhiều vào buổi sáng trước khi đi làm.
Uống nhiều nước nhưng phải uống từ từ, không nên uống quá nhanh và vội. Nên uống nước ấm, không nên uống nước quá lạnh hay quá nóng. Cứ cách một khoảng thời gian nhất định là phải uống nước, không chỉ uống nước khi thấy khát.
Thực hiện chế độ bảo hiểm lao động một cách nghiêm túc; đội mũ rộng vành, đeo kính mát khi đi ra nắng (hạn chế ra ngoài khi trời nắng); quần áo may bằng loại vải thấm nước, cổ áo cao che được gáy.
Người làm việc thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng. Tùy theo nhiệt độ môi trường, thời tiết nắng nóng mà quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi một cách hợp lý; thường sau 45 - 60 phút hoạt động thì nghỉ giải lao 10 - 15 phút.