Trang Chủ > Sức khỏe > Tiêm vaccine cúm có thể giảm 12% nguy cơ đột quỵ

Tiêm vaccine cúm có thể giảm 12% nguy cơ đột quỵ

Xã Luận
15/09/2022 10:37:03

Ngoài việc ngăn ngừa mắc cúm, việc tiêm loại vaccine này còn làm giảm tới 12% khả năng đột quỵ lần đầu, nhất là ở người có yếu tố nguy cơ như huyết áp cao.

Tiêm vaccine cúm có thể giảm 12% nguy cơ đột quỵ-1

Tác dụng chống viêm được cho là cơ chế giúp vaccine cúm hạn chế nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa: giulia_bertelli.

Tính riêng tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (US CDC) ước tính từ năm 2019 đến 2020, có tới 35 triệu trường hợp mắc cúm. Trong đó, 20.000 ca đã t‌ử von‌g. Từ đây, việc tiêm chủng vaccine cúm mùa đã được nhiều người dân thực hiện hàng năm và khuyến cáo từ các bác sĩ.

Theo nghiên cứu gần đây được đăng tải trên chuyên san

AHA/ASA,

cúm có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ - dạng đột quỵ phổ biến nhất trong cộng đồng với 40% trường hợp. Từ đây, việc tiêm vaccine cúm càng trở nên quan trọng.

Liên quan vấn đề này, một nghiên cứu tại Tây Ban Nha mới đây đã cho thấy bên cạnh các hiệu quả vốn có, việc tiêm phòng vaccine cúm còn có thể làm giảm khả năng đột quỵ.

Cụ thể, nghiên cứu này kết luận những người có yếu tố nguy cơ liên quan mạch máu sau khi được tiêm vaccine cúm sẽ hạn chế 12% khả năng đột quỵ.

Tiến sĩ Francisco José de Abajo, bệnh viện Đại học Alcala và bệnh viện Đại học Prince of Asturias, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh và thay đổi các yếu tố khác nhau để đánh giá mối liên quan giữa vaccine cúm và tình trạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố chưa được đo lường và xác định như thói quen lành mạnh của bệnh nhân, chế độ độ ăn, tập luyện, tuân thủ điều trị…”.

Theo vị chuyên gia, bên cạnh vaccine, những yếu tố này có thể liên quan đến hiệu quả của vaccine cũng như nguy cơ đột quỵ.

Cơ chế chưa rõ ràng

Theo TS Abajo, nguyên nhân đằng sau hiệu quả giảm nguy cơ đột quỵ của việc tiêm vaccine cúm đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

“Đây là vấn đề cần nghiên cứu trong tương lai gần. Ở giai đoạn này, chúng ta chỉ có thể suy đoán về cơ chế của chúng. Tuy nhiên cũng có một số bằng chứng từ các nghiên cứu trong quá khứ cho thấy việc tiêm vaccine cúm có thể làm giảm các chất trung gian gây viêm”, vị chuyên gia nói.

Về vấn đề này, ông Mitchell SV Elkind, Giáo sư Thần kinh và dịch tễ của Trung tâm Y tế Irving, Đại học Columbia (New York, Mỹ), cho biết bản thân chứng viêm là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ đang được công nhận.

Trong khi đó, phản ứng miễn dịch do tiêm vaccine phòng cúm tạo ra cũng có thể mang lại tác dụng chống viêm, giảm nguy cơ đột quỵ.

“Việc hạn chế các cơ chế gây viêm có thể dẫn đến sự ổn định của các mảng xơ vữa. Bằng cách này, vaccine cúm có thể ngăn ngừa các vấn đề cấp tính của mạch máu, tiêu biểu là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim cấp tính… Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết cần được đánh giá thêm”, vị chuyên gia nhận định.

TS Abajo cũng khẳng định viêm có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mạch máu, kích hoạt tình trạng cấp tính của sự hình thành huyết khối.

Hiệu quả ở những người có yếu tố nguy cơ

Nghiên cứu nói trên được thực hiện dựa trên cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Tây Ban Nha. Theo đó, nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và kết hợp thông tin về lịch sử tiêm chủng cũng như sức khỏe của người dân trong độ tuổi từ 40 đến 99 không có tiền sử liên quan đột quỵ hoặc ung thư do thiếu máu cục bộ.

Theo dõi dữ liệu của những người này trong 14 năm, nhóm nghiên cứu xác định có 14.322 trường hợp bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong khoảng thời gian từ ít nhất 14 ngày sau khi tiêm chủng tới thời điểm dịch cúm xảy ra.

Các con số thống kê ban đầu cho thấy những người đã tiêm vaccine bị đột quỵ nhiều hơn một chút so với người chưa tiêm (41,4% so với 40,5%).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh một loạt yếu tố gây nhiễu đã thay đổi kết quả này. Theo đó, những người đã tiêm vaccine có xu hướng già hơn và nhiều yếu tố nguy cơ bị đột quỵ như tăng huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu cao…

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận việc tiêm vaccine cúm có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ so với những người không tiêm.

Tiêm vaccine cúm có thể giảm 12% nguy cơ đột quỵ-2

Những người nguy cơ cao, nhất là liên quan tim mạch, được khuyến cáo tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh minh họa:

harry_cao

.

TS Elkind giải thích: “Trong nghiên cứu dạng quan sát như thế này, các đối tượng nghiên cứu luôn có khả năng bị ảnh hưởng bởi các hành vi sức khỏe như những người được tiêm sẽ có sức khỏe tốt hơn nhờ chế độ ăn và tập luyện khoa học. Những điều này cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ của họ”.

Dù vậy, TS Abajo nhận định việc tiêm vaccine có ý nghĩa lớn đối với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao liên quan tim mạch, các bệnh lý về mạch máu…

“Trên thực tế, chúng ta cũng khó có thể giải thích được nguyên lý của các biện pháp bảo vệ sức khỏe ở những người không có nguy cơ và sức khỏe tốt”, vị chuyên gia nói thêm.

Mặt khác, TS Elkind cũng cho rằng nguyên nhân gây ra đột quỵ ở những người có và không có yếu tố nguy cơ là rất khác nhau.

Về lý thuyết, đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai. Tình trạng này có thể xuất hiện từ một tổn thương trong mạch máu hoặc một cục máu đông ở tim. Hiệu quả của việc tiêm vaccine sẽ lớn hơn ở những người bị đột quỵ do xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch - những vấn đề thường gặp ở nhóm nguy cơ cao, người cao tuổi, có bệnh lý nền…

“Thông điệp chính của nghiên cứu là vaccine phòng cúm có thể mang lại lợi ích cho mạch máu bên cạnh hiệu quả phòng chống lây nhiễm virus cúm. Điều này tạo thêm động lực để người dân, nhất là nhóm có bệnh lý về tim mạch, chủ động tiêm vaccine”, TS Abajo nói.

Hiện nay, thống kê cho thấy tỷ lệ bao phủ vaccine cúm ở hầu hết quốc gia đều dưới mục tiêu khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nguồn Tin: