Sáng 14/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, về vấn đề thiếu một số thuốc giải độc tại các bệnh viện, mới nhất là Bệnh viện Bạch Mai phản ánh, Cục đã giao cho phòng chuyên môn tổng hợp, làm việc cụ thể với Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).
Theo ông Cường, một số loại thuốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hiện thiếu là thuốc thuộc danh mục thông tư 26 về thuốc hiếm. Đây là thường là những thuốc ít sử dụng, một năm bệnh viện dùng 1-2 lần.
"Theo quy định, các bệnh viện có đơn hàng gửi lên, Cục Quản lý Dược sẽ tìm kiếm nguồn cung. Chúng tôi đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai lập đơn hàng. Cục sẽ giải quyết trong vòng 24-72 giờ tùy theo sự sẵn có của mặt hàng", ông Cường cho biết.
Trước đó, thông tin tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - một trong những trung tâm chống độc lớn nhất nước lại thiếu các loại thuốc giải độc khiến nhiều người lo lắng.
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước.
Theo PGS Cơ, sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kể tên các thuốc hiếm, như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân...hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định.
Vì thế, khi liên quan đến tình huống cấp cứu phải dùng thuốc hiếm sẽ rất lúng túng. Ông Cơ dẫn chứng, liên quan đến hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay ở cả miền Bắc, miền Nam, Việt Nam cũng không có sẵn loại thuốc giải độc này, phải nhờ đến Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ thuốc.
Để chủ động cho các tình huống cấp cứu y tế sử dụng đến các loại thuốc hiếm này (dù rất hiếm gặp), ông Cơ cho rằng nên thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm tại 3 miền, dự trữ các thuốc hiếm để phòng khi có tình huống cấp cứu y tế liên quan, người bệnh sẽ được dùng thuốc ngay.
"Các thuốc này tuy ít dùng, nhưng vẫn phải mua nhưng với lượng vừa phải để sẵn sàng cung ứng cho người bệnh và cũng tránh được sự lãng phí", ông Cơ nói.
Nhiều trường hợp tử vong, nguy kịch vì thiếu huyết thanh
Trước đó, khoảng giữa tháng 8/2022, bé trai ở Bình Dương bị con rắn độc dài 1 mét cắn vào đùi và lâm dần vào nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn nhiễm độc nặng.
Nhưng thời điểm đó, tất cả các bệnh viện khu vực phía Nam không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đơn giá để điều trị đặc hiệu. Bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ kháng sinh, vệ sinh vết rắn cắn và dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá (trong đó có kháng nọc rắn cạp nia) để điều trị cho bé, may mắn bệnh nhi qua nguy kịch.
Không may mắn như trường hợp trên, một bệnh nhi 4 tuổi ở Phú Yên đã tử vong vào tháng 5/2022 sau khi bị rắn cạp nia cắn. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 2h30 sáng 16/5, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, cơ sở y tế này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên phải liên hệ một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh vẫn không có. Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã xin về, bệnh nhi tử vong sau đó.
Một trường hợp khác, bé trai 3 tuổi được chuyển từ Củ Chi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) tử vong thương tâm do bị rắn cắn.
Bệnh nhi chơi với một con rắn hoa cổ đỏ (đã được cắt hết răng, nhưng vẫn còn răng hàm trong) và bị cắn vào mu bàn tay.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi vẫn tỉnh táo tươi cười, có thể ngồi chơi được. Tuy nhiên qua các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định bé bị rối loạn đông máu rất nặng.
Vì không có huyết thanh kháng nọc rắn, bệnh nhi diễn tiến tiểu ra máu, suy thận, được tiến hành lọc máu liên tục nhưng nọc độc vẫn phát tán mạnh. Cuối cùng bé suy tim, suy đa tạng và tử vong sau đó dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa.