Cô gái tuổi đôi mươi tìm cách tự sát vì trầm cảm sau sinh
Chị T.T.B.T. (21 tuổi, sống tại Quảng Bình) được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì thường xuyên la hét, cáu gắt. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh của cô khởi phát sau sinh 13 ngày và diễn biến hơn một tháng nay.
Khai thác sâu vào bệnh sử, các bác sĩ xác định, bệnh nhân là con cả trong gia đình, trước đây hoàn toàn khỏe mạnh.
T. đang học đại học năm 3 tại Quảng Bình thì phải tạm nghỉ vì mang thai. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân kết hôn.
Do T. có thai trong quá trình học nên cũng khá căng thẳng. Tuy nhiên, em bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Hiện tại, T. sống cùng chồng và có mẹ đẻ hỗ trợ chăm sóc. Mặc dù kinh tế gia đình tạm ổn và vẫn được sự hỗ trợ của hai bên gia đình, nhưng chồng của T. được đánh giá là ít thể hiện quan tâm, không hay chia sẻ, tâm sự với cô.
Sau khi sinh con được 13 ngày, T. có biểu hiện ngủ kém, chỉ được tầm 3-4h/đêm, hay thức giấc giữa đêm, sáng dậy sớm. T. luôn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước.
Cô hay ngồi một mình, vẻ mặt buồn rầu, hay khóc lóc. T. còn có tình trạng ăn uống kém ngon miệng, hay suy nghĩ tiêu cực, bi quan với cuộc sống. Cô cũng không để tâm tới việc chăm sóc con, không thể hiện tình cảm với con, cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc.
Đáng chú ý, T. từng có hành vi dùng dao để tự sát, nhưng may mắn được người nhà phát hiện đưa vào Bệnh viện Cu Ba (Quảng Bình) xử trí khâu vết thương sau đó chuyển tới khoa Tâm thần điều trị tiếp.
Tại đây, T. được điều trị nội trú 20 ngày, triệu chứng bệnh thuyên giảm. Cô cũng hợp tác, nói chuyện với mẹ và người thân từ đó bớt buồn chán.
Sau đó, T. được xuất viện về nhà, cho thuốc uống theo đơn. Tuy nhiên, khi về nhà thì T. lại xuất hiện tình trạng la hét, cáu gắt với mọi người, chống đối không chịu uống thuốc nên được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Theo BS Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe tâm thần, qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ xác định T. có hội chứng trầm cảm nặng.
Bệnh nhân được điều trị liên tục bằng các loại thuốc. Từ ngày thứ 9 trở đi, khí sắc của T. cải thiện hơn. Người bệnh cũng chủ động nói chuyện, giao tiếp, ăn ngủ tạm ổn định.
10 - 20% phụ nữ gặp trầm cảm sau sinh
Theo TS Vũ Thy Cầm - Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, trầm cảm sau sinh thường khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia sức khỏe cho rằng, trầm cảm sau sinh có thể khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng một năm đầu sau sinh.
Theo nghiên cứu của Ramadas (2015), tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh dao động từ 10 đến 20% trên toàn thế giới. Trầm cảm bắt đầu ngay sau khi sinh con và kéo dài đến một năm. Tỷ lệ cao gấp 3 lần trong 5 tuần đầu sau sinh và cao nhất ở 12 tuần đầu sau sinh và tỷ lệ tái phát dao động từ 25-68%.
"Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản, sử dụng thang EPDS, cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%", TS Cầm cho hay.
Về hậu quả của trầm cảm sau sinh, theo TS Cầm, nó có thể gây những tác động xấu đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
TS Cầm chỉ ra nhiều thay đổi tâm lý có thể là "thủ phạm" khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh:
- Lo lắng trong quá trình mang thai, cho cuộc chuyển dạ (3 tháng đầu lo sảy thai, thai chết lưu; 3 tháng giữa lo dị tật thai, 3 tháng cuối lo cuộc đẻ).
- Sau sinh dễ xúc động, dễ tủi thân, dễ khóc, dễ cáu giận…
- Stress gia đình - xã hội: Phụ nữ sau sinh có sự thay đổi về trách nhiệm bản thân với con, gia đình; thiếu quan tâm, chăm sóc của người chồng cũng như gia đình làm cho phụ nữ dễ rơi vào tình trạng chán nản, mệt mỏi, tiêu cực, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát...
"Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác). Khi có dấu hiệu trầm cảm, bệnh nhân cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần", chuyên gia này nhấn mạnh.