Theo CNBC, ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kích hoạt mức cảnh báo cao nhất về sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng. Cơ quan y tế thế giới tuyên bố virus này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Việc “dán nhãn” cho bệnh đậu mùa khỉ đồng nghĩa WHO coi vụ bùng phát này là mối đe dọa lớn với sức khỏe toàn cầu và cần phải có phản ứng quốc tế, phối hợp ngăn chặn virus lây lan nhiều hơn, có thể leo thang thành đại dịch.
Tuyên bố này không đặt ra yêu cầu với các quốc gia, song, nó như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Các quốc gia thành viên được yêu cầu báo cáo những sự kiện có nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu cho WHO.
Như vậy, sau gần 3 tháng bùng phát ra bên ngoài châu Phi, đậu mùa khỉ chính thức trở thành mối đe dọa lớn cho toàn thế giới, với tốc độ lây lan nhanh và số người mắc đang tăng mạnh ở nhiều nước.
Hơn 70 quốc gia ghi nhận 16.000 ca mắc
Tháng 6, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm đã gia tăng đáng kể trong vài tuần qua khiến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải đưa ra cảnh báo cao nhất mặc dù thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên trong ủy ban khẩn cấp của WHO. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy.
Theo báo cáo từ WHO, đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 70 quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2022. Số ca nhiễm tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Hiện tại, nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
Năm trường hợp tử vong do virus đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở châu Phi trong năm nay. Không ca nào nằm ở ngoài lục địa này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 2-4 tuần. Virus gây ra các phát ban, mụn nước có thể lan rộng khắp cơ thể và rất đau đớn.
Một người dân được tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ, ngày 5/7. Ảnh: Reuters.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được cho là rất bất thường bởi nó lan rộng ra khắp quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu. Đây vốn là nơi thường không có sự xuất hiện của virus đậu mùa khỉ. Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở mức độ thấp đến các vùng xa xôi của Tây và Trung Phi - nơi các loài gặm nhấm và các động vật khác mang virus.
Châu Âu hiện là tâm chấn toàn cầu của đợt bùng phát, chiếm hơn 80% ca nhiễm bệnh trên toàn cầu. Mỹ đã báo cáo hơn 2.500 ca từ ít nhất 44 bang.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nguy cơ do bệnh đậu khỉ gây ra hiện nay trên toàn cầu là vừa phải, nhưng mối đe dọa cho châu Âu ở mức cao. Ông nhận định nguy cơ virus sẽ tiếp tục lây lan khắp thế giới, mặc dù nó không thể làm gián đoạn thương mại hoặc du lịch của toàn cầu ngay lập tức.
Đầu tháng 5, Vương Quốc Anh báo cáo một người mắc đậu mùa khỉ là công dân trở về từ Nigeria. Vài ngày sau, nước này phát hiện thêm 3 ca mắc bệnh, được cho là lây nhiễm trong cộng đồng. Sau đó, các quốc gia châu Âu khác và đến Canada, Mỹ, cũng bắt đầu ghi nhận ca mắc bệnh. Đến nay, giới chức y tế toàn cầu vẫn chưa thể xác định đâu là nơi thực sự bắt đầu cho đợt bùng phát này.
Lần cuối cùng WHO ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu là vào tháng 1/2020 để đối phó với làn sóng Covid-19 gia tăng. Hai tháng sau, Covid-19 trở thành đại dịch toàn thế giới.
WHO không có quy trình chính thức để tuyên bố đại dịch, đồng nghĩa thuật ngữ này được định nghĩa khá lỏng lẻo. Năm 2020, cơ quan này tuyên bố Covid-19 là đại dịch như nỗ lực cảnh báo các chính phủ đang tự tin trước mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động của virus.
Hồi tháng 5, chuyên gia hàng đầu của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, tiến sĩ Rosamund Lewis, chia sẻ không cần lo ngại căn bệnh này gây ra đại dịch toàn cầu. Bà cho biết các cơ quan y tế công cộng có cơ hội để ngăn chặn sự bùng phát.
Nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lo ngại những tổ chức này không thể ngăn đậu mùa khỉ bùng phát và bám rễ vĩnh viễn vào những quốc gia chưa từng tìm thấy loại virus này trước đó.
Triệu chứng đặc trưng của đậu mùa khỉ là các vết phát ban, mụn nước lan từ tay, mặt ra khắp cơ thể. Ảnh: Reuters.
Đậu mùa khỉ không phải loại virus mới
Những nghiên cứu nhằm xác định trình tự virus cũng cho thấy virus đậu mùa khỉ đang lây lan là nhánh 3, một phần của chủng Tây Phi. Theo nghiên cứu, phiên bản Tây Phi có tỷ lệ tử vong thường dưới 1%. Nó cũng có ít độc lực hơn phiên bản nhóm 1 ở Trung Phi (có thể gây tử vong cho hơn 10% trường hợp mắc bệnh).
Trái ngược với Covid-19, đậu khỉ không phải là loại virus mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện virus này vào năm 1958 trên những con khỉ bị nuôi nhốt dùng để nghiên cứu ở Đan Mạch. Năm 1970, họ phát hiện con người đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ. Người này là công dân Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đậu mùa khỉ thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa, mặc dù nó gây bệnh nhẹ hơn. WHO và các cơ quan y tế quốc gia đã có kinh nghiệm nhiều thập kỷ chống lại bệnh đậu mùa - căn bệnh được tuyên bố bị xóa sổ vào năm 1980.
Cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa thành công cũng như công cụ dùng để tiêu diệt nó sẽ cung cấp cho các quan chức y tế những kiến thức quan trọng để chống chọi với đậu mùa khỉ.
Trước đây, virus đậu mùa khỉ lây từ người sang người là tương đối hiếm. Tuy nhiên, virus này đang lây lan mạnh trong cộng đồng người. WHO nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đã không đầu tư đủ nguồn lực để chống lại bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi trước khi nó bùng phát ra toàn cầu.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, cho biết: “Sự lây truyền đã xảy ra ở các quốc gia châu Phi với số lượng lớn trong nhiều năm và chúng tôi không hiểu điều gì đã thúc đẩy sự lây lan này. Còn rất nhiều việc phải điều tra và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm hiểu vấn đề này".