Trang Chủ > Sức khỏe > Cần minh bạch, tránh lách luật trong hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp kinh doanh và phân phối thuốc tại Việt Nam

Cần minh bạch, tránh lách luật trong hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp kinh doanh và phân phối thuốc tại Việt Nam

Báo xây dựng
03/08/2022 08:08:56

(Xây dựng) - Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt đối với các vấn đề liên quan đến kinh doanh, phân phối, đấu thầu thuốc (thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm) và dược liệu trên thị trường. Để có thể tham gia đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, các nhà thầu bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ những điều kiện khắt khe theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, quan trọng nhất là điều kiện nhà thầu phải độc lập về tài chính, pháp lý và đảm bảo điều kiện về kho bãi, bảo quản, vận chuyển. Những nội dung này đã được quy định chi tiết trong Luật Đấu thầu năm 2013, Thông tư số 15/2019/TT-BYT (Thông tư 15) về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cần minh bạch, tránh lách luật trong hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp kinh doanh và phân phối thuốc tại Việt Nam-1

Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, có hiện tượng, dấu hiệu vi phạm các quy định nêu trên, như doanh nghiệp này không đủ điều kiện thì ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp khác nhằm tham gia đấu thầu để cung cấp thuốc.

Theo thông tin về kết quả trúng thầu thuốc được cập nhật trên trang Website chính thống của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế (dav.gov.vn), từ ngày 29/12/2020 đến hết ngày 13/12/2021, số lượng trúng đấu thầu thuốc của Công ty Cổ phần Dược thiết bị y tế Hà nội (Harpharco) là 111 mặt hàng. Harpharco có kết quả trúng thầu từ 16/12/2021 đến hết ngày 11/7/2022 là 299 mặt hàng thuốc.

Kết quả này, sẽ không có gì đáng nói, nếu không tồn tại việc Harpharco đã ký kết Hợp đồng đại lý số 01/HĐĐL2021 ngày 18/12/2020 với Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed (có trụ sở tại số 13.05A, tầng 13 tòa nhà Viettel, 285 Cách mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là bà Trần Bảo Lâm). Trong nội dung của Hợp đồng này, có rất nhiều điểm đáng nghi vấn. Tuy tên gọi của Hợp đồng là “Hợp đồng đại lý” và Khoản 1.1, Điều 1 của Hợp đồng xác định: Harpharco là đại lý mua bán đối với dược phẩm, hóa chất, trang thiết bị y tế, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho Gigamed. Nhưng tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 của Hợp đồng lại quy định như sau:

“Bên A (Gigamed) sẽ chịu chi phí mua hồ sơ thầu, phí bảo lãnh qua ngân hàng cho các hoạt động dự thầu mà Bên B (Harpharco) tham dự, chi phí chuẩn bị hồ sơ tham dự thầu và các chi phí khác với mục đích tiêu thụ các mặt hàng mà Bên B làm đại lý cho Bên A”; “Bên A (Gigamed) chịu trách nhiệm về công tác kho vận (văn phòng, nhà kho, giao nhận vận chuyển) đảm bảo đạt tiêu chuẩn vận hành theo quy định GDP và các quy định khác của pháp luật và của nhà sản xuất”; “Bên A (Gigamed) chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, thu hồi công nợ; Bên B (Harpharco) chịu trách nhiệm kiểm soát, tổng hợp, đối chiếu công nợ, hoàn thiện các hồ sơ, chứng từ liên quan đến hóa đơn. Bên A (Gigamed) bán cho Bên B (Harpharco) với mức giá được thể hiện trên Hóa đơn của Bên A xuất cho Bên B. Bên B sẽ bán ra thị trường theo đúng giá bán do bên A quy định và giá ghi trên hóa đơn của Bên A. Bên B phải thanh toán cho Bên A tiền hàng theo đúng giá trị hóa đơn bán hàng, thông qua số tài khoản chỉ định của Bên A sau khi Bên B thu hồi được tiền bán hàng của khách hàng. Bên A (Gigamed) sẽ thanh toán hoa hồng cho Bên B (Harpharco) căn cứ trên tổng giá trị doanh số thuần của hàng hóa bán ra trong tháng (trừ thuế VAT) theo tỷ lệ hoa hồng từ 0,35% đến 0,65% tương ứng với mức doanh số thuần đạt được.

Như vậy, thực tế Gigamed và Harpharco đã có những ký kết trong đó, Harpharco lấy danh nghĩa của mình để dự thầu nhưng toàn bộ chi phí (bao gồm cả chi phí bảo lãnh dự thầu), giá bán, thu hồi công nợ và hoạt động kho vận, bảo quản, vận chuyển các mặt hàng thuốc trong hồ sơ dự thầu đều thuộc trách nhiệm, cũng như quyết định của Gigamed.

Đối chiếu thực trạng này, với các điều kiện bắt buộc phải đáp ứng của nhà thầu đã nêu trong quy định của pháp luật, đã có những dấu hiệu vi phạm tại Điều 89 của Luật Đấu thầu năm 2013 “cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào” về đấu thầu thuốc tại Việt Nam. Bản chất mọi hoạt động, tài chính, hàng hóa, giá bán kho bãi đều do Gigamed quyết định, chịu trách nhiệm và việc cung ứng thuốc theo kết quả trúng thầu cũng là từ Gigamed. Harpharco là đại lý được trả với mức phí từ 0,35% đến 0,65% trên tổng giá trị doanh số thuần của hàng hóa bán ra trong tháng.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Bên cạnh danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế mới đây đã đề nghị các địa phương, đơn vị phải chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành về công tác đấu thầu. Bộ Y tế cũng yêu cầu Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục đàm phán giá đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Luật sư Thu cho rằng: Trong việc lựa chọn các nhà thầu thuốc cần lưu ý việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia gói thầu, họ liên doanh, liên kết với các đơn vị khác để làm đẹp hồ sơ tham gia đấu thầu! Do vậy, khi lựa chọn nhà thầu thuốc, các cơ quan chức năng cần lưu ý điều này, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, đủ năng lực tham gia đấu thầu thuốc đúng quy định pháp luật! Việc hai doanh nghiệp, liên doanh liên kết như trên các cơ quan quản lý cần xem xét năng lực của họ có đảm bảo để tham gia đấu thầu thuốc đặc thù của Bộ Y tế hay không.

Thiết nghĩ, Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ, góp phần làm minh bạch, công khai, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và phân phối hàng hóa ra thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh chân chính trong lĩnh vực dược phẩm trên thị trường Việt Nam.