Trang Chủ > Sức khỏe > Dịch bệnh phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu

Dịch bệnh phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu

Pháp luật và Xã hội
03/08/2022 08:24:03
Dịch bệnh phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu-1

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị sáng 2/8 (ảnh Trần Minh)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra sáng 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần trở lại bình thường, việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đã đạt được một số kết quả tương đối toàn diện.

Bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan trong nước. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn cơ bản được kiểm soát với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện trong thời gian qua…

Tuy nhiên, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.

Đặc biệt, tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vắc-xin ở một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng-Bộ Y tế thông tin, trên thế giới trong 7 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi-nhất là đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh.

Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của Omicron và các biến thể BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1.

Trong 3 tuần gần đây, số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại. Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron, các ca nhiễm biến thể phụ này sẽ ghi nhận nhiều hơn và số ca mắc sẽ gia tăng trở lại. Các tỉnh tiếp tục theo dõi các biến thể này, ghi nhận ca chuyển nặng và nhập viện.

Ngoài ra, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Đến nay, thế giới đã ghi nhận 21.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 78 nước và 7 ca tử vong, trong đó đã có trường hợp tử vong bên ngoài khu vực lưu hành của bệnh (Tây Ban Nha, Brazil). Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

TS. Tâm cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ hiện lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác. WHO nhận định nguy cơ mắc bệnh trên toàn cầu ở mức trung bình (riêng khu vực châu Âu ở mức nguy cơ cao). Việt Nam đang ở mức nguy cơ thấp, trung bình.

Với dịch sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc, 45 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ ngoái, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca Covid-19, gần 11.000 ca tử vong (0,1%).

Thống kê của Bộ Y tế về kết quả tiêm vắc-xin Covid-19 đến ngày 1/8 cho thấy.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 48.022.555 mũi tiêm (72,2%) tăng 0,1%, trong ngày có 39 tỉnh triển khai với 41.719 người được tiêm:

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Quảng Nam (50,9%); Khánh Hòa (54,5%); Bình Thuận (50,2%); Đồng Nai (46,3%); Cần Thơ (52,6%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 9.672.811 mũi tiêm (50,5%), trong ngày có 45 tỉnh triển khai với 144.964 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Bắc Cạn (26,8%); Nghệ An (26,5%); Sơn La (25,0%); Quảng Trị (27,4%); Đắc Lắc (24,1%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Hưng Yên (88,3%); BR-VT (97,6%); Vĩnh Long (88,6%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm nhắc: 3.015.299 trẻ (34,5%) tăng 0,5%.

Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp: Hà Tĩnh (11,3%); Điện Biên (9,9%); Đà Nẵng (12,7%); Phú Yên (9,3%); Bà Rịa-Vũng Tàu (10,9%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi nhắc cao: Bắc Giang (79,1%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (67,0%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 12.263.871.

Mũi 1: 7.953.291 trẻ (69,6%); tăng 0,2%.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (51,1%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,2%); Quảng Nam (39,1%); TP Hồ Chí Minh (43,8%).

Mũi 2: 4.310.580 trẻ (37,7%); tăng 0,3%

Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (17,8%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,5%); Khánh Hòa (17,3%); Đắc Lắc (19,0%).

Tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (72,8%); Sóc Trăng (76,3%); Bạc Liêu (72,5%).

“Không chậm trễ trong xử lý, không được để dịch chồng dịch”

Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các biện pháp tránh để "dịch chồng dịch"

Những triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với Covid-19

Hà Nội có thể xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch

Vân Hà