Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, yêu cầu các địa phương triển khai mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường.
Trong khi tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp với biến chủng mới, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng, thậm chí có thể cao hơn trong thời gian tới.
Đứng trước bối cảnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng và mỗi gia đình đều cần có hành động cụ thể để bảo vệ sức khỏe chính mình cũng như cộng đồng.
Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát diện rộng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký công văn hỏa tốc gửi các địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ Y tế nêu lý do số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian qua và sớm hơn năm 2021 là thời tiết có sự thay đổi thuận lợi cho muỗi truyền nhiễm phát triển.
Tuy nhiên, qua kiểm tra ở các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) vẫn chưa được xử lý, chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng, công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh, thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Số lượng bệnh nhân phải nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao. Ảnh: Duy Hiệu.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu do liên quan biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron. Việt Nam thời gian qua cũng ghi nhận sự xuất hiện của 2 biến thể phụ này trong cộng đồng.
Dù vậy, nhiều người dân sau khi tiêm các mũi vaccine cơ bản hoặc từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong áp dụng biện pháp phòng bệnh, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 hay tiêm vaccine cho trẻ em.
Từ đây, Bộ Y tế dự báo số ca mắc Covid-19 và sốt xuất huyết trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng.
Giải pháp trước nguy cơ dịch chồng dịch
Trong công văn, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, huy động toàn bộ người dân tham gia. Diệt bọ gậy ngay trong tháng 7 và duy trì tần suất diệt một lần/tuần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 lần/tuần ở nơi có chỉ số muỗi và bọ gậy cao và một lần/tháng với các khu vực còn lại.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và toàn bộ người dân đều được yêu cầu chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Cùng quan điểm với Bộ Y tế, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, khẳng định số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu chính quyền và người dân không thực hiện tốt công tác phòng bệnh.
"Nếu duy trì xu hướng như hiện nay, dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM sẽ kéo dài đến hết mùa mưa", vị chuyên gia dự báo.
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng đối với Covid-19, giải pháp hiện nay khá rõ ràng khi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao và trẻ em nếu có thể.
Việc phòng dịch, bảo vệ sức khỏe trước dịch sốt xuất huyết cũng như Covid-19 cần xuất phát từ mỗi người dân. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo khi đối diện với cả 2 dịch bệnh đồng thời là việc nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và Covid-19.
"Việc tích cực phòng Covid-19 sẽ giúp chúng ta giảm được nguy cơ trẻ bị chẩn đoán nhầm cũng như gánh nặng chăm sóc cho gia đình. Lúc này, khả năng chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ tốt hơn", ông Dũng lưu ý.
Với sốt xuất huyết, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định giải pháp hiệu quả nhất lúc này là toàn dân phải chủ động diệt lăng quăng. Điều này đòi hỏi cấp chính quyền địa phương tới cấp phường, xã phải vào cuộc, giám sát, kiểm tra, đốc thúc.
"Chỉ ngành y tế tuyên truyền, hô hào, vận động người dân thôi không đủ, toàn dân phải làm", ông nói.
Trong khi đó, PGS Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lúc này là giảm nơi muỗi có thể trú ngụ, sinh sản bằng việc gạt bỏ vật chứa nước trong và xung quanh nhà. Bên cạnh đó, ông khuyến cáo người dân ngủ màn, mặc áo dài tay.
Vị chuyên gia lưu ý thêm: "Trên thực tế, sốt xuất huyết gây tử vong nhiều ở trẻ em nhưng người lớn mới là nhóm nhiễm virus nhiều. Người lớn mắc bệnh không nặng nên lơ là vì nó trở thành nguy cơ khiến trẻ em lây nhiễm virus".
Do đó, ông cho rằng việc bảo vệ người lớn không bị muỗi đốt vẫn rất quan trọng. Từ đây, bên cạnh ngủ màn, mặc áo dài tay, chúng ta nên dùng các biện pháp như phun xịt thuốc diệt muỗi trưởng thành ở góc nhà, vật dụng cũ, khe hẹp, từ đó giảm lượng muỗi tồn tại.
"Dù diệt lăng quăng vẫn là biện pháp hiệu quả, tác dụng của phương pháp này đến khá chậm. Trong khi đó, muỗi trưởng thành đã có virus sốt xuất huyết trong cơ thể. Bởi vậy, việc diệt muỗi cũng cần được chú trọng", PGS Dũng giải thích.