Trang Chủ > Sức khỏe > Rượu, bia tác hại khó lường, Bài 2: Tăng cường công tác quản lý sản phẩm rượu

Rượu, bia tác hại khó lường, Bài 2: Tăng cường công tác quản lý sản phẩm rượu

Đồng Khởi
17/09/2022 09:29:02
Rượu, bia tác hại khó lường, Bài 2: Tăng cường công tác quản lý sản phẩm rượu-1

Lạm dụng bia rượu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: P. Hân

Quy trình sản xuất rượu

Qua trao đổi với một lò kháp rượu lâu năm được biết, quy trình kháp rượu nếp truyền thống phải qua các bước là nấu nếp, vô men, ủ 3 ngày chan nước sạch, từ 6 - 7 ngày mới nấu thành rượu. Ra thành phẩm bao nhiêu thì nấu bao nhiêu. Sau đó, hòa rượu theo số độ mà khách đặt. Với 1kg nếp cho ra được khoảng 1 lít rượu. Thành phẩm rượu nếp chất lượng hiện nay loại ngon có giá đến 60 ngàn đồng/ lít rượu. Còn các loại rượu nếp nhẹ hơn trung bình có giá hơn 20 ngàn đồng/lít, từ 28 - 30 độ. Quan trọng là khâu chọn men ủ rượu cần phải đảm bảo chất lượng để có được mẻ rượu ngon.

Cô V.K.E (chủ lò kháp rượu ở huyện Giồng Trôm) cho biết: “Khi chọn men ủ rượu, phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trong nước, trên bao bì phải ghi rõ thành phần trong men, có kiểm định chất lượng, có hạn sử dụng thì chúng tôi mới dám mua để ủ rượu. Nếu mua loại men không có bao bì, mình không biết xuất xứ từ đâu, ủ ra rượu cũng không biết được chất lượng thế nào. Lò kháp rượu nhà tôi làm bao nhiêu năm nay, nếu đổi men thì người ta nhận ra liền, họ không thích”.

Trong khi đó, theo một số người làm nghề kháp rượu cho biết, để giảm chi phí kháp rượu, thay vì mua men tốt, một số nơi lại mua loại men không có bao bì, nhãn mác, giá rẻ hơn. Hoặc tự ý sử dụng Methanol, cồn công nghiệp để pha rượu, cho ra thành phẩm nhanh hơn, rẻ tiền hơn. Một nguồn tin giấu tên chia sẻ thực tế từng chứng kiến: “Tôi từng thấy người ta sử dụng thùng 10 lít cồn để pha với nước mưa, nước dừa để thành rượu đãi đám tiệc cả trăm khách. 10 lít cồn đâu có mắc tiền như 100 lít rượu nếp kháp ra”.

Sản xuất, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì tổ chức, cá nhân mới được tiến hành sản xuất, kinh doanh. Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 3 triệu lít/năm và giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố. Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện, thành phố là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đa số là hình thức sản xuất, kinh doanh theo dạng hộ gia đình. Trong đó, có 9 doanh nghiệp được cấp giấy phép rượu công nghiệp (1 doanh nghiệp do Bộ Công Thương cấp, 8 doanh nghiệp do Sở Công Thương cấp), 3 giấy phép bán buôn rượu, 38 giấy phép sản xuất rượu thủ công, nhằm mục đích kinh doanh, 88 giấy phép bán lẻ rượu, gần 50 hộ sản xuất rượu thuộc làng nghề rượu Phú Lễ không phải cấp giấy phép sản xuất, còn lại khoảng 2.700 cơ sở chưa đăng ký để cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu.

một số hạn chế

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng rượu. Đồng thời, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người lao động ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công quy mô nhỏ được phân cấp cho các huyện quản lý và cấp giấy phép sản xuất rượu chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, không liên tục nên không kê khai với chính quyền địa phương việc sản xuất rượu.

“Sự hiểu biết của người sản xuất rượu thủ công về quy định pháp luật, kiến thức về rượu thủ công còn rất hạn chế làm cho công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở bán lẻ rượu, rượu sản xuất thủ công còn gặp nhiều khó khăn. Đây chính là điểm yếu, là kẽ hở trong công tác quản lý. Các cơ sở sản xuất rượu thủ công rải rác ở địa bàn nông thôn, sản xuất lại không thường xuyên, không đăng ký kinh doanh nên việc nắm bắt thông tin, thực trạng sản xuất, số lượng cơ sở gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các địa phương đối với loại hình này chưa được quan tâm nhiều”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu nhìn nhận.

Theo quy trình, để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, người nấu rượu phải thông qua bước kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền. Mức phí được tính tùy theo yêu cầu công bố các loại tiêu chuẩn. “Chi phí thực hiện ban đầu cao so với quy mô sản xuất nên các hộ sản xuất ngán ngại, dù được hướng dẫn vẫn không thực hiện. Có nhiều hộ sản xuất làm hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu nhưng chỉ làm nửa chừng, chưa đầy đủ rồi ngưng không thực hiện. Một số cơ sở do sản xuất không thường xuyên, sản lượng thấp, thị trường nhỏ hẹp trong xóm, ấp, hiệu quả thấp nên không muốn thực hiện đăng ký cấp phép”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay.

Tăng cường quản lý

Trao đổi về giải pháp quản lý sản phẩm rượu, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Ngành tăng cường quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động tập huấn tuyên truyền các quy định, nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, các kiến thức về an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm rượu; không uống rượu khi không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cách phát hiện và phòng ngừa ngộ độc rượu. Hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định. Tăng cường giám sát và hướng dẫn chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã. Quan tâm thực hiện việc rà soát, nắm chắc số lượng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công và các cơ sở kinh doanh, bán lẻ rượu trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022 của Chính phủ). Cụ thể, hành vi “sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất” sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng.

Hành vi “bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định” sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Hành vi “không báo cáo hoặc báo cáo không đúng tình hình sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định” sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Tại điểm e khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, trong trường hợp hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân từ 5 - 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31- 60% thì có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

“Ngành công thương sẽ tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dự kiến trong tháng 9-2022, ngành kiểm tra 50% các cơ sở nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu theo quy định”.

(Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu)

Th. Đồng - Ph. Hân