Chiều 25/8, đoàn công tác do Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan dẫn đầu có buổi thăm và làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Đây là chuyến làm việc đầu tiên ở khu vực phía Nam của bà Lan với tư cách lãnh đạo ngành y tế.
Nhiều bác sĩ nghỉ việc, máy móc chỉ đủ cho trường hợp khẩn cấp
Báo cáo với Bộ trưởng, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 8 tháng đầu năm, nơi đây có 77 nhân viên y tế nghỉ việc.
Con số này hơn gấp rưỡi so với cả năm 2021 (48 trường hợp). Các nguyên nhân dẫn đến việc y bác sĩ nghỉ việc là vì lý do gia đình, chuyển việc sang bệnh viện tư, xuất cảnh...
TS.BS Nguyễn Tri Thức báo cáo tình hình hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy với lãnh đạo Bộ Y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Đại diện công đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các y bác sĩ đều muốn gắn bó với bệnh viện, có điều kiện để phát triển, có trang bị thiết bị tốt để tăng chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh nhưng gặp vướng mắc rất nhiều. Hiện nay, máy móc của các khoa chỉ giải quyết được những trường hợp khẩn cấp.
Sau khi kiến nghị 14 nội dung chi tiết trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục trao đổi 4 vấn đề cần được tháo gỡ với lãnh đạo Bộ Y tế.
Thứ nhất , bổ sung 1 chương riêng, chuyên sâu về đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác y tế trong luật Đấu thầu.
Thứ hai , khẩn trương ban hành nghị định chi tiết về liên doanh, liên kết, xã hội hóa trong y tế.
Thứ ba , chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế.
Thứ tư , tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cải thiện thu nhập, phụ cấp cho nhân viên y tế, phù hợp với thời điểm hiện tại.
Bệnh viện Chợ Rẫy có tự chủ toàn diện?
Về phía đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, trước đây Bệnh viện Chợ Rẫy là 1 trong 4 bệnh viện được chọn thí điểm tự chủ toàn diện (nhóm 1). Nhưng sau đó, vì dịch Covid-19, bệnh viện vẫn còn tự chủ ở nhóm 2.
Khi đã tự chủ tài chính, đồng nghĩa bệnh viện đã được tự chủ về con người. Do đó nếu thiếu nhân sự, bệnh viện có toàn quyền tuyển dụng theo nhu cầu, giải quyết tình trạng quá tải.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh các đề xuất ở cấp cao hơn như Chính phủ, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nên trao đổi thẳng thắn những vấn đề trong nội bộ ngành như quan hệ giữa bệnh viện với các Vụ, Cục; công tác cấp giấy phép; kiểm tra máy móc; trang thiết bị... để cùng nhau giải quyết những gì chưa phù hợp.
Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang tự chủ tài chính ở nhóm 2 (Ảnh: Hoàng Lê).
Về vấn đề tự chủ, Thứ trưởng Sơn chia sẻ, Nghị quyết 33 năm 2019 của Chính phủ giao cho 4 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy). Đến nay, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành và xin dừng thí điểm tự chủ.
Còn Bệnh viện Chợ Rẫy hiện vẫn đang nằm ở nhóm 2, tức được tự chủ hoàn toàn thu chi thường xuyên, chưa được tự chủ đầu tư. Do đó, bệnh viện cần xem xét, nghiên cứu đề xuất xem sắp tới sẽ áp dụng thế nào.
"Thời điểm này, cần có sự trả lời với Chính phủ, rằng sau khi đã thí điểm tự chủ toàn diện 2 năm thì làm tiếp hay dừng" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Sau khi nghe các ý kiến, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những kiến nghị của bệnh viện đều ít nhiều có cơ sở quy định từ pháp luật. Tuy nhiên, làm cách nào để biến pháp luật thành kỹ năng triển khai cho các bệnh viện là trách nhiệm của Bộ Y tế.
Bà Lan nhận định, ở nhiều nơi, các cán bộ lo việc đấu thầu là các bác sĩ, không có nghiệp vụ về kinh tế. Thời gian qua, kể cả Bộ Y tế thực hiện đấu thầu cũng rất vướng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Hoàng Lê).
Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, ngày 24/8, Quốc hội có phiên họp bàn dự thảo pháp luật, trong đó có 1 chương liên quan đến dự thảo về luật giá, luật đấu thầu. Hầu hết đề xuất của Bộ Y tế về vướng mắc liên quan đấu thầu, các đặc thù của ngành y được thông qua và đưa được vào dự thảo.
Bộ Y tế cũng đang cố gắng sửa đổi theo hình thức rút gọn của Nghị định để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các bệnh viện.
Bà Đào Hồng Lan mong muốn Bệnh viện Chợ Rẫy với kinh nghiệm của mình tham gia góp ý để cùng Bộ Y tế chỉnh sửa luật Khám, chữa bệnh, các vấn đề liên quan đến luật Đấu thầu.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã lần lượt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ tài chính ở nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên) vì gặp quá nhiều khó khăn.
Có thể kể đến như dịch Covid-19 khiến lượng bệnh nhân giảm mạnh; giá viện phí BHYT quy định 4-5 trước đã lỗi thời, không được tính đúng, tính đủ, thu không đủ chi; không còn các dự án liên doanh, liên kết, không còn thiết bị, máy y tế xã hội hóa nhưng nguồn chi lại rất lớn; thu nhập thấp khiến chảy máu nguồn cán bộ chất lượng cao sang y tế tư nhân...