Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kêu gọi người dân diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.
Đây được xem là giải pháp quan trọng để tỉnh khống chế được bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng và lan rộng.
Tại lễ phát động, ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, thông điệp hành động là “Người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt loăng quăng, bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết”. Sở Y tế cần xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo các địa phương ra quân đồng loạt diệt bọ gậy để đạt được hiệu quả cao nhất. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để toàn thể nhân dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Cùng với đó, người dân không nên hoang mang lo lắng mà nên thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, đến ngày 6/7, toàn tỉnh ghi nhận 1.356 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2,1 lần (tương đương 210,3%) so với cùng kỳ năm 2021; tại các huyện, thị xã, thành phố đều tăng. Toàn tỉnh ghi nhận 84 ổ bệnh sốt xuất huyết (tăng 69 ổ bệnh so với cùng kỳ năm 2021) ở hầu hết 9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó 52/110 xã/phường có ghi nhận ổ bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên tuyên truyền lưu động về phòng chống sốt xuất huyết.
Bác sỹ Huỳnh Lê Xuân Bích – Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho biết: Sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và tăng đột biến từ tuần 19 (so với cùng kỳ năm 2021) và vượt qua trung bình giai đoạn năm 2017-2021. Một số địa phương có số ca mắc tăng cao như: huyện Tuy An với 308 ca (tăng 4,5 lần), huyện Phú Hòa có 285 ca (tăng 2,8 lần), thành phố Tuy Hòa 278 ca (tăng 3,5 lần). Riêng thị xã Sông Cầu có số ca mắc thấp nhất với 39 ca (tăng 0,1 lần).
Dự báo trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn diễn biến phức tạp khi thời tiết xen lẫn giữa nắng nóng và mưa. Nhiều địa phương khô hạn, thiếu nước, người dân phải dự trữ để phục vụ sinh hoạt, là môi trường dễ phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Tại một số địa phương, chỉ số BI (chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà được điều tra) sau tổng vệ sinh đã là 45 lần, chỉ thời gian ngắn lại tăng lên 62 lần. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về việc diệt bọ gậy phòng, chống bệnh sốt xuất huyết chưa cao dẫn đến lây lan rộng.