Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp bà H.T.T (58 tuổi, ở Thị Xã Phú Thọ) với tiền sử khỏe mạnh, trong gia đình không có ai bị đột quỵ.
Trước khi nhập viện 7 giờ, bệnh nhân xuất hiện tình trạng yếu nửa người trái. Nghỉ ngơi tại nhà nhưng không đỡ, bà T. được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhất sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu và điều trị.
Hình ảnh Cộng hưởng từ sọ não (MRI) của người phụ nữ bị ong đốt: Với xung khuếch tán Diffusion cho kết quả nhồi máu cầu não phải. Ảnh: BV.
Theo BS Nguyễn Minh Đức - Trung tâm Đột quỵ, tại thời điểm vào, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, liệt nửa người trái, chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên khi thăm khám, bệnh nhân có triệu chứng co giật nửa người liệt, các bác sĩ đã khai thác thêm bệnh sử của bệnh nhân. Theo đó, buổi sáng cùng ngày, bệnh nhân ra vườn hái rau và vô tình bị ong đốt, sau đó đỡ và không để ý.
Hiện tượng đau, sưng và đỏ có thể được quan sát thấy là phản ứng tại chỗ sau khi bị ong đốt. Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ đã hội chẩn và xem xét các tài liệu và nhận thấy trường hợp đột quỵ do ong đốt trên thế giới là rất hiếm.
Nhận định ban đầu, các bác sĩ cho rằng, phản ứng qua trung gian miễn dịch của hệ thống đối với vết ong đốt gây ra co mạch và trạng thái tạo huyết khối kèm theo thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ. Vì vậy bệnh nhân được tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não ghi nhận nhồi máu cầu não phải. Người bệnh sau đó đã được xử trí tích cực và chuyển sang giai đoạn tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ.
BS Nguyễn Minh Đức khuyến cáo, khi bị bất kỳ côn trùng nào đốt, người dân cần theo dõi sức khỏe sát sao và tới cơ sở y tế uy tín ngay khi có triệu chứng bất thường. “Nhồi máu não là một biến chứng quan trọng mặc dù hiếm gặp của ong đốt, điều này phải được lưu ý ở những bệnh nhân có biểu hiện yếu tay chân sau khi bị ong đốt. Đặc biệt, nhận biết vấn đề kịp thời sẽ giúp chẩn đoán và điều trị sớm, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.