Trang Chủ > Sức khỏe > Phòng ngừa đột tử khi tập luyện thể thao

Phòng ngừa đột tử khi tập luyện thể thao

Lao Động
23/06/2022 17:29:05
Phòng ngừa đột tử khi tập luyện thể thao-1

Đột tử có thể xảy ra khi luyện tập thể thao, đặc biệt ở người tập luyện với cường độ mạnh. Ảnh minh họa. Ảnh: Hạ Mây

Nguyên nhân đột tử ở người tập luyện thể dục thể thao

Đột tử do tim là tình trạng tim suy chức năng đột ngột, không thể duy trì hoạt động bơm máu vào hệ tuần hoàn để nuôi dưỡng các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Đột tử do tim có thể do một trong các nguyên nhân bất thường hoạt động điện học trong tim (nhịp tim bất thường), bất thường về cơ tim, van tim hay bất thường mạch máu nuôi tim. Nếu người bệnh có một trong những bất thường này, luyện tập thể thao với cường độ mạnh có thể thúc đẩy các bất thường diễn tiến nặng hơn một cách đột ngột và nguy cơ đe doạ tính mạng.

Tỉ lệ đột tử ở vận động viên rất hiếm, chỉ chiếm 1 trong 50.000 – 80.000 vận động viên chuyên nghiệp mỗi năm. Tỉ lệ này tuỳ thuộc vào cường độ vận động, tuổi và giới tính. Trong đó, nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn 3-9 lần so với nữ giới, và tỉ lệ cao hơn ở người tập luyện với cường độ mạnh kéo dài hay vận động viên lớn tuổi có bệnh lý tim mạch.

Theo một khảo sát nhận thấy rằng nguyên nhân thường gặp nhất ngừng tim đột ngột ở những vận động viên trẻ tuổi dưới 35 tuổi bao gồm: Bệnh cơ tim phì đại, bất thường động mạch vành, bệnh lý rối loạn nhịp... Trong khi đó, những vận động viên trên 35 tuổi, nguyên nhân bệnh mạch vành xơ vữa (80%) là thường gặp nhất.

Những người cần tầm soát bệnh lý tim mạch trước khi luyện tập thể thao

Hầu hết những người trẻ tuổi, hay người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường đã được điều trị ổn định trước đó, hoàn toàn có thể tham gia luyện tập thể thao ở cường độ nhẹ đến trung bình mà không cần tầm soát các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

3 nhóm đối tượng người luyện tập thể thao cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch gồm: Người ít vận động hay người có nguy cơ cao các bệnh tim mạch như béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá,... muốn rèn luyện thể lực cường độ mạnh hay thi đấu các môn đối kháng (bóng rổ, bóng đá, cầu lông...); Người đã biết các bệnh tim nền như suy tim, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim),...; Người có bất thường thăm khám tim mạch (bất thường điện tâm đồ, siêu âm tim..) hay đang có các triệu chứng bệnh tim mạch (hồi hộp, đau ngực, khó thở bất thường, ngất...).

"Tập luyện thể dục cường độ mạnh là khi nhịp tim tăng lên hơn 75% nhịp tim tối đa dự đoán của người luyện tập (lấy 220 trừ đi tuổi) và chúng ta không thể nói chuyện, thậm chí là giao tiếp vài từ trong khi luyện tập; còn luyện tập thể thao cường độ trung bình là khi nhịp tim tăng hơn 65% nhịp tim tối đa dự đoán và chúng ta vẫn có thể giao tiếp và nói chuyện với nhau bằng các câu ngắn khi đang luyện tập", bác sĩ Huỳnh Trung Tín cho hay.

Luyện tập thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, nhưng một số người có bệnh lý tim mạch nền cần được đánh giá cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch trước khi tham gia luyện tập thể thao ở cường độ trung bình hay nặng, nhằm tránh nguy cơ thúc đẩy các bất thường tim mạch nặng lên đột ngột trong quá trình luyện tập.