Người dân có thể yên tâm với rượu không rõ nguồn gốc như thế này?
Những vụ ngộ độc rượu kinh hoàng
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục thông tin về vụ việc 8 sinh viên uống rượu không rõ nguồn gốc, trong đó 2 người tử vong, 6 người nhập viện cấp cứu. Hiện tại, 1 trường hợp nữ đang có dấu hiệu nguy kịch, tổn thương não.
Bác sĩ Trần Thanh Dũ - Phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, ngày 4/8, 8 người này đi nhậu và uống một loại rượu "không rõ loại gì" tại quán nhậu trên đường 50, phường Phước Long B (TP Thủ Đức).
Sau khi uống về, 1 người tử vong tại phòng trọ. 7 người còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, có uống thuốc nhưng không hết. Sau đó xuất hiện các triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu và 1 người tử vong tại Bệnh viện Lê Văn Việt.
Hiện tại, chưa xác minh được nguồn gốc rượu mà 8 người này đã sử dụng tại nhà hàng. Sau khi sự việc xảy ra, nhà hàng đã tự đóng cửa từ ngày 6/8.
Trước đó không lâu, 3 người phụ nữ tại Cà Mau cũng đã tử vong vì nhậu suốt 2 ngày. Theo đó, ngày 20/7, bà M.T.M. (54 tuổi) tổ chức nhậu tại nhà từ 19h đến 23h. Cùng nhậu có bà N.T.L. (37 tuổi), bà Đ.T.L. (44 tuổi) và 3 người đàn ông. Ngày hôm sau, 6 người này tiếp tục tổ chức nhậu tại nhà bà M. từ 9h đến 13h. Qua 2 lần nhậu, cả 6 người uống hết khoảng 5 lít rượu.
Đến khoảng 21h ngày 22/7, cả 3 người phụ nữ có triệu chứng nôn ói, mệt mỏi, khó thở… nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, bà M. tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau đó vài giờ, 2 người phụ nữ còn lại cũng tử vong tại bệnh viện.
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, các nạn nhân đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy. Các bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng các nạn nhân vẫn không qua khỏi. Bước đầu, các nạn nhân được chẩn đoán tử vong do ngộ độc rượu, nghi ngộ độc methanol - một loại cồn công nghiệp.
Rượu “ba không” được bày bán tràn lan trên thị trường.
Điệp khúc của rượu “ba không”
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tại nhiều cửa hàng tạp hóa lớn - nhỏ trên địa bàn Hà Nội, việc buôn bán các loại rượu được diễn ra công khai và khá phổ biến. Việc mua bán loại mặt hàng này cũng rất dễ dàng. Tại một cửa hàng tạp hoá trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), khi được PV hỏi mua rượu, chủ cửa hàng đã nhanh chóng đem từ trong nhà ra 3 chiếc can lớn dung tích 20 lít với lời giới thiệu “rượu quê men lá”.
Theo chủ cửa hàng này, rượu được người nhà ở quê nấu nên cam kết về chất lượng. “Quanh đây người ta toàn mua rượu này về uống suốt, không vấn đề gì cả. Uống xong cũng không lo đau đầu. Giá là 50.000 đồng/lít rượu trắng và 60.000 đồng/lít đối với rượu ngâm” - chủ cửa hàng này cho hay.
Khi PV hỏi mua với số lượng lớn để bán cho nhà hàng, chủ cửa hàng tạp hoá này cũng sẵn sàng giới thiệu những loại rượu rẻ hơn với mức giá chỉ từ 25.000 – 30.000 đồng/lít.
Ghi nhận tương tự tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), chị T.T.H.Y, chủ cửa hàng cam kết với PV: “Bán rượu cả chục năm nay thì phải biết rượu nào ngon, rượu nào dở. Rượu có cồn uống một cái là biết ngay và không ai mua rượu rởm về bán cho khách cả. Mua ở đây thì cứ yên tâm không bao giờ có chuyện ngộ độc rượu”. Nhưng khi được hỏi có giấy tờ, hóa đơn gì chứng minh nguồn gốc rượu, chị Y. chỉ biết ậm ừ: “Đã là rượu quê thì lấy đâu hóa đơn. Về uống có bị làm sao thì ra đây nhà chị chịu”.
Khảo sát tương tự tại một số cửa hàng bán lẻ khác, điệp khúc quen thuộc “người nhà, người quen nấu rượu” hoặc tự nấu rượu bán thường xuyên được chủ các cửa hàng sử dụng để tạo độ tin cậy với khách hàng. Ngoài niềm tin, khách hàng không có cách nào kiểm chứng nguồn gốc của các loại rượu này vì tất cả đều không có chứng từ, hoá đơn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Giá của các loại rượu này cũng vô cùng đa dạng, dao động từ 20.000 đến 70.000 đồng tuỳ loại và nhu cầu của khách hàng.
Những loại rượu “quê” này được bày bán tràn lan khắp nơi, với nhiều giá khác nhau nhưng đều có điểm chung là “ba không” (không nguồn gốc, không chất lượng, không ai kiểm soát). Những chủ cửa hàng này cho biết, chưa từng có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra chất lượng rượu bởi “người ta chỉ kiểm tra rượu ngoại chứ rượu gạo quê này ai kiểm tra”.
Chị Trần Anh Thư (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết: “Từ trước đến nay khi đi mua rượu gạo ở quán tạp hoá chẳng ai yêu cầu phải xem nguồn gốc, đơn vị sản xuất rượu. Một phần vì mua chỗ quen, tin tưởng nhau, phần vì rượu này được bán quá phổ biến. Chỉ khi nào xảy ra vấn đề ngộ độc, người ta mới cảnh giác”.
Tuy nhiên, cũng không ít người dân bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng các loại rượu này, nhất là khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu gây hậu quả chết người. Bà Nguyễn Thị Hải (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) cho hay: “Ở thành phố, việc mua rượu tồn tại nhiều rủi ro hơn rất nhiều do không ai kiểm tra chất lượng, nguồn gốc rượu, rất dễ mua phải rượu pha cồn. Do vậy, cần siết chặt hơn việc quản lí loại đồ uống này, nhất là trong các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu”.
Rõ ràng, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu “ba không” này còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng. Tuy nhiên, cũng chính sự chủ quan của người dân và thói quen sử dụng nhiều bia rượu đã khiến những loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn,… len lỏi vào những bữa nhậu, gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Tác hại khôn lường
Các trường hợp ngộ độc rượu nặng do sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ bởi trong thành phần có chứa cồn công nghiệp với nhiều methanol. Việc uống rượu bình thường cũng đã có thể gây ngộ độc nếu sử dụng nhiều trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên với các trường hợp rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các loại cồn công nghiệp, cồn pha, sử dụng hóa chất,… trong rượu sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp, nặng và nguy hiểm rất nhiều so với ngộ độc rượu thông thường.
Với các loại rượu này, sau khi uống, methanol sẽ được cơ thể hấp thu rất nhanh ở dạ dày và ruột non, một phần cũng được hấp thu qua da và đường hô hấp. Chỉ sau khoảng 30 phút đã có thể gây ra những triệu chứng ngộ độc nhanh và nặng.
Biểu hiện của ngộ độc cấp tính, ở liều thấp có thể gây kích thích, mất điều hòa cảm xúc… Nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê, ức chế nhịp tim, điều hoà hơi thở yếu, huyết áp tụt, các triệu chứng có thể giống với hạ đường huyết do methanol gây tổn thương và ức chế sản xuất insulin.
Ở khoảng thời gian lâu hơn, bệnh nhân có thể có những rối loạn về thần kinh như nhìn mờ, đồng tử giãn, mạch nhanh, thậm chí co giật. Khi có các triệu chứng tiểu ít, vô niệu, bệnh nhân có thể tử vong. Đối với các trường hợp này sẽ phải nhập viện và lọc máu…
Thực tế, việc sử dụng rượu bia lâu dài đều gây nên rất nhiều tác hại, kéo theo nhiều biến chứng liên quan đến tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Đối với các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu công nghiệp, rượu tự pha chế,… những rối loạn này lại càng nhanh hơn, trầm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Do vậy, người dân cần tuyệt đối không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là không được tự pha chế rượu từ cồn công nghiệp để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tăng mức phạt với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng
Trên thực tế, buôn bán, sản xuất rượu là một ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó từ khâu sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ đều chặt chẽ và yêu cầu có giấy phép. Bán lẻ rượu là khâu gần nhất với người tiêu dùng tuy nhiên cũng là khâu khó kiểm soát nhất do rượu tại Việt Nam được buôn bán tràn lan khá phổ biến.
Việc buôn bán rượu không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sức khỏe người dân, tuy nhiên hiện nay mức phạt lại tương đối thấp theo Nghị định 90/2020 (Điều 25 - điều 30). Hành vi pha trộn, thêm thắt các hóa chất khác vào rượu rồi đem bán gây ra các tình trạng về ngộ độc rượu methanol được xếp vào hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại các Khoản 1,2,7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Khi vi phạm liên quan đến sản xuất buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt theo điều 193 Bộ luật Hình sự với mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là chung thân. Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng khi đến quán uống rượu mà bị ngộ độc, nếu chủ quán pha chế rượu hoặc biết rượu đó có sử dụng chất cấm, chất vượt quá mức cho phép thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế cũng đã có trường hợp xử lí hình sự về tội này, tuy nhiên không nhiều.
Do vậy, cần thiết tăng mức xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự đối với các trường hợp buôn bán, pha chế rượu gây nên hậu quả nghiêm trọng để có thể răn đe, siết chặt kinh doanh mặt hàng này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và phát hiện để tránh xảy ra những vụ việc nghiêm trọng do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc thời gian gần đây.
Đối với người dân, việc sử dụng rượu bia cũng cần rất thận trọng, chọn mua và sử dụng những loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt cũng cần tránh lạm dụng rượu, bia để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Hoàng Chiến (ghi)