Trang Chủ > Sức khỏe > Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga

Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga

Zingnews
25/09/2022 10:12:11

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PloS Pathogens , virus mới có tên Khosta-2, còn được gọi là sarbecovirus, có nhiều điểm tương đồng với nCoV. Nguy hiểm hơn, nó có thể kháng vaccine và mang theo nhiều đặc điểm đáng lo ngại, theo Euro News.

"Virus dơi bí ẩn"

Nghiên cứu mới do nhóm chuyên gia tại trường Y tế Toàn cầu Paul G. Allen thuộc Đại học Washington (WSU), Mỹ, thực hiện. Họ phát hiện Khosta-2 có thể sử dụng các protein gai để lây nhiễm cho tế bào người, tương tự cách mà SARS-CoV-2 đã làm.

"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh sarbecovirus lưu hành trong động vật hoang dã bên ngoài châu Á - ngay cả ở những nơi như miền Tây nước Nga, nơi phát hiện thấy virus Khosta-2 - cũng là mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu và các chiến dịch vaccine chống lại SARS-CoV-2", nhà virus học Michael Letko, Đại học Washington, tác giả chính, nói.

Ông cho biết khám phá này nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển vaccine mới, không chỉ nhắm vào các biến chủng đã biết của SARS-CoV-2, chẳng hạn Omicron, mà còn có thể chống lại tất cả sarbecovirus.

Trong số hàng trăm sarbecovirus được phát hiện trong những năm gần đây, hầu hết được tìm thấy ở loài dơi châu Á. Điểm chung là chúng không có khả năng lây nhiễm vào tế bào người.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ, các virus Khosta-1 và Khosta-2 được phát hiện ở loài dơi gần Vườn Quốc gia Sochi của Nga vào năm 2020 đã có những đặc điểm khá giống nCoV. Mặc dù trước đó, chúng có vẻ như không phải là mối đe dọa đối với con người.

Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga-1

Các nhà khoa học cho rằng virus dơi mới được phát hiện ở Nga có thể gây hại hơn nCoV và có khả năng kháng các loại vaccine hiện tại. Ảnh: Canva.

"Về mặt di truyền, những con virus kỳ lạ này trông giống một số loại virus khác đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Vì chúng không giống SARS-CoV-2, không ai nghĩ rằng chúng thực sự là gì để quan tâm. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì chúng có thể lây nhiễm sang tế bào người. Điều đó làm thay đổi hiểu biết về những loại virus này, chúng đến từ đâu và khu vực nào đang liên quan", ông Michael Letko nói thêm.

May mắn là virus mới thiếu một số đặc điểm di truyền được cho là kháng lại hệ miễn dịch và góp phần gây bệnh ở người. Nhưng nguy cơ vẫn khá lớn khi Khosta-2 được cho là có thể gây hại bằng cách tái kết hợp với virus thứ 2, chẳng hạn nCoV.

Đặc điểm phức tạp

Nhà virus học Letko và các cộng sự xác định Khosta-1 ít gây rủi ro cho con người. Song, Khosta-2 không như thế.

Đặc biệt, tương tự SARS-CoV-2, Khosta-2 có thể sử dụng protein gai để lây nhiễm vào các tế bào bằng cách gắn vào protein thụ thể, hay còn được gọi là enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), vốn được tìm thấy trong các tế bào của con người.

Sau đó, nhóm tác giả muốn tìm hiểu xem liệu virus có thể né tránh khả năng miễn dịch do nhiễm virus corona trước đó hoặc vaccine Covid-19 tạo ra hay không.

Khi họ sử dụng huyết thanh của những người nhiễm Omicron, các kháng thể không có tác dụng chống lại loại virus này. Họ cũng thử nghiệm huyết thanh có nguồn gốc từ những người được tiêm vaccine Covid-19 và nhận thấy Khosta-2 cũng không bị vô hiệu hóa bởi các loại vaccine hiện tại.

Ông Letko giải thích thêm với Euronews Next : “Trong thí nghiệm này, chúng tôi kết hợp virus với huyết thanh của những người đã được tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer; sau đó thêm chúng vào các tế bào trong ống nghiệm. Nếu các kháng thể trong huyết thanh của người được tiêm chủng có thể liên kết với virus, nó không thể lây nhiễm sang tế bào khác".

Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga-2

Với lưới trong tay, một nhóm nhà khoa học băng qua hồ nằm dọc Khu bảo tồn động vật hoang dã Khao Ang Rue Nai ở Thái Lan để đến nơi có dơi Rhinolophus sinh sống. Ảnh: Lauren Deicca.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhận định không có gì ngạc nhiên khi vaccine Covid-19 không thể ngăn Khosta-2 lây nhiễm sang các tế bào. Cả hai virus này vẫn có nhiều điểm khác biệt về mặt di truyền.

Ông Letko cũng lưu ý những kết quả này là từ các thí nghiệm nuôi cấy tế bào. Vì vậy, họ không thể chắc chắn 100% đúng với bệnh truyền nhiễm ở người. Có thể phản ứng miễn dịch ở người thật sẽ đa dạng, hiệu quả hơn.

Cũng vì thế, sự không chắc chắn của phản ứng miễn dịch này khiến chúng ta khó kết luận loại vaccine Covid-19 hiện tại nên sửa đổi như thế nào và cần nhanh ra sao để đối phó với loại virus mới.

Theo Newsweek, sarbecovirus được cho là tìm thấy lần đầu tiên vào những năm 2000, ban đầu chỉ lưu hành ở loại dơi cụ thể ở miền Nam Trung Quốc. Nhưng trong 20 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài khác ở các loài đa dạng và vị trí địa lý khác nhau.

Đến nay, sarbecovirus đã được xác định ở nhiều động vật hoang dã - chẳng hạn dơi, tê tê, lửng chó và cầy hương - ở Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh, Bulgaria và các nước châu Phi.

Ông Letko nhận định chắc chắn các nhà nghiên cứu sẽ phát hiện ra nhiều loại virus này hơn nữa trong tương lai.

Cách chấm dứt đại dịch Covid-19

Báo cáo mới từ nhóm chuyên gia của tạp chí The Lancet nhận định phản ứng với Covid-19 là một thất bại toàn cầu, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch.

Covid-19 có thể xuất hiện đầu tiên ở nơi khác, không phải Trung Quốc

Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra dấu vết của nCoV ở những quốc gia khác từ rất sớm, trước khi Trung Quốc báo cáo những ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

Dịch Covid-19