Cảm lạnh thông thường còn được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên, do virus gây ra tác động đến mũi, khoang mũi, hầu họng và thanh quản, thậm chí đường hô hấp dưới như khí quản, phế quản và phổi. Đây cũng là căn bệnh phổ biến ở nhiều người.
Trong khi đó, chúng ta đều đã biết Covid-19 được gây ra bởi SARS-CoV-2. Loại virus này rất dễ lây, bắt đầu từ đường hô hấp trên và nhanh chóng phát triển xuống đường hô hấp dưới và gây diễn biến nặng.
Khác nhau trong triệu chứng
Trên thực tế, cảm lạnh và Covid-19 có các triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của Covid-19 thường ở mức độ nghiêm trọng hơn và có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
Cụ thể:
Triệu chứng | Cảm lạnh | Covid-19 |
Sốt, ớn lạnh | Hiếm gặp | Phổ biến |
Đau đầu | Ít gặp | Phổ biến |
Tức ngực | Thỉnh thoảng | Phổ biến |
Ho | Thường gặp ho có đờm | Thường gặp ho khan |
Ngạt, chảy nước mũi | Phổ biến | Hiếm gặp |
Hắt hơi | Phổ biến | Hiếm gặp |
Viêm họng | Phổ biến | Phổ biến |
Mất vị giác hoặc khứu giác | Hiếm gặp, dù việc tiết dịch có thể làm tắc mũi dẫn đến mất vị giác, khứu giác tạm thời | Phổ biến |
Tiêu chảy | Hiếm gặp | Thỉnh thoảng |
Đau mỏi cơ | Ít gặp | Phổ biến |
Trong các trường hợp có yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc trên 65 tuổi, tỷ lệ diễn biến nặng do Covid-19 cũng tăng lên.
Hướng xử trí phù hợp
Một trong những điểm khác biệt chính giữa cảm lạnh và Covid-19 là thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi người bệnh nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên).
Theo đó, với cảm lạnh thông thường, thời gian ủ bệnh khá ngắn, thường chỉ từ một đến 3 ngày. Với Covid-19, thời gian này có thể từ 2 đến 14 ngày.
Về mặt chẩn đoán, cảm lạnh thường được xác định bằng các triệu chứng đơn thuần do không có phương pháp xét nghiệm để tìm loại virus này. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, bệnh nhân có thể được xét nghiệm cúm hoặc Covid-19 để loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
Dù không có phương pháp xét nghiệm khẳng định, các bác sĩ vẫn có thể chỉ định xét nghiệm cúm hoặc Covid-19 để loại trừ cảm lạnh. Ảnh minh họa: annie_spratt .
Trong khi đó, xét nghiệm Covid-19 có thể trực tiếp giúp chúng ta phát hiện SARS-CoV-2 hoặc các kháng thể được cơ thể tạo ra.
Trong trường hợp nhận thấy bản thân có các dấu hiệu của Covid-19 thay vì cảm lạnh thông thường nhưng chỉ diễn biến nhẹ, bệnh nhân được khuyến cáo cách ly và thực hiện một số cách để điều trị triệu chứng. Các cách này cũng có hiệu quả với trường hợp cảm lạnh thông thường.
Dùng một số loại thuốc như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil hoặc Motrin) để giảm sốt và đau nhức cơ thể.
Uống nhiều nước (có thể là nước lọc, nước trái cây, trà, canh nóng) để giữ đủ nước.
Nghỉ ngơi để tránh lại nhiễm trùng và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Trong trường hợp các triệu chứng của Covid-19 diễn biến nặng hơn như khó thở, đau ngực, mọi người nên nhanh chóng liên hệ tới cơ sở y tế để thăm khám và có hướng điều trị sớm.
Các triệu chứng này bao gồm khó thở, đau tức ngực, lú lẫn, thần kinh mất ổn định, da nhợt nhạt (do thiếu oxy trong máu).
Một trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: BVCC .
Ngoài ra, với Covid-19, bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng thêm thiết bị đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu). Khi chỉ số này xuống quá thấp, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở. Qua đó, thiết bị này sẽ cảnh báo tình trạng sức khỏe cần liên hệ bác sĩ dù bệnh nhân không có triệu chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo trong trường hợp mắc Covid-19, bệnh nhân tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc hay sản phẩm điều trị chưa được kiểm chứng. Việc làm này hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới việc điều trị, thậm chí mang lại nguy cơ tử vong.
Do đó, bệnh nhân cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để thăm khám và được bác sĩ chỉ định hướng xử trí phù hợp.