Trang Chủ > Sức khỏe > Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt

Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt

Zingnews
22/09/2022 09:36:53
Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt-1

Tổng thống Mỹ Biden từng tuyên bố "đại dịch Covid-19 đã chấm dứt". Ảnh: Getty .

Ngày 18/9, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS , Tổng thống Biden tuyên bố “đại dịch Covid-19 đã chấm dứt”. Động thái này ngay lập tức hứng chịu nhiều chỉ trích. Đảng viên Cộng hòa và một số lãnh đạo y tế công cộng cho rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trước Covid-19. Bởi mỗi ngày, 400-500 người Mỹ vẫn qua đời vì Covid-19.

Cách gọi “đại dịch”

Hơn hai năm kể từ lần đầu tiên virus đến nước Mỹ, có vẻ, một thông báo đáng lẽ phải được đưa ra từ nhiều tháng trước. Nhưng Mỹ - giống như nhiều quốc gia khác - vẫn tiếp tục vật lộn với hàng loạt báo cáo về số ca mắc mới, ca tử vong. Chính điều này khiến tuyên bố của tổng thống trở nên không rõ ràng.

Câu hỏi lúc này không phải bao nhiêu người mắc bệnh mà là khi nào sự xuất hiện và lây lan của loại virus này chấm dứt. Khi nào chúng ta đủ tiêu chuẩn để tuyên bố kết thúc đại dịch?

Vaccine chống lại virus và các biến chủng Delta, Omicron... đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm mà có tác dụng bảo vệ chống lại mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện, tử vong.

NPR dẫn thông tin của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) định nghĩa thuật ngữ đại dịch là "dịch bệnh, hoặc tình trạng sức khỏe khác, xảy ra trên một khu vực rộng rãi (nhiều quốc gia hoặc lục địa) và thường ảnh hưởng đến phần lớn dân số".

Theo Independent, nếu theo định nghĩa của Viện Y tế Quốc gia Mỹ về đại dịch, có vẻ, Mỹ sẽ sớm thoát khỏi Covid-19.

Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt-2

Bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Providence St. Mary ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: Mario Tama/Getty.

Dẫu vậy, Covid-19 vẫn đang xảy ra "trên một khu vực rộng rãi" và ảnh hưởng đến "một bộ phận dân số đáng kể". Trung bình, hàng trăm người Mỹ vẫn đang chết vì virus mỗi ngày. Trong khi đó, mức tăng kỷ lục vào đầu năm nay và cuối 2021 đã chứng kiến con số này tăng lên hàng nghìn người.

Covid-19 tiếp tục giáng đòn cho các cộng đồng và nền kinh tế trên toàn thế giới, dẫn đến hàng loạt vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không dấu hiệu nào cho thấy số người chết ở Mỹ sẽ giảm xuống 0, hoặc ít nhất là con số thấp hơn nhiều hiện tại. Cũng không dấu hiệu nào cho thấy sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do virus lây lan sẽ sớm giảm bớt.

Trên toàn cầu, khoảng 612 triệu ca nhiễm nCoV. Theo Our World in Data , số ca mắc mới hàng ngày đạt đỉnh vào tháng 1 ở nhiều quốc gia như Mỹ (806.987), Pháp (366.554) và Ấn Độ (311.982).

Từ đó đến nay, thế giới trải qua chặng đường dài với Covid-19. Ngày 18/9 có thêm khoảng 493.000 ca mắc trên toàn cầu, hàng nghìn trường hợp được phát hiện mỗi ngày và con số thực tế có thể lớn hơn nhiều lần.

Tính từ 16/8 đến 17/9, thế giới ghi nhận 19,4 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc gia tăng đáng kể nhất ở Nhật Bản (29%). Cùng thời gian, Mỹ tăng 3% số vụ, tương đương với 2,5 triệu ca.

Tại Nhật Bản, quốc gia này đặt ra mức ca mắc mà chính phủ sẽ giới hạn số lượng người nhập cảnh. Hướng dẫn này dự kiến sớm được thay đổi. Ngày 7/9, Nhật Bản đã dỡ bỏ yêu cầu có test Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ sau khi hạ cánh đến nước này, miễn là du khách đã được tiêm phòng vaccine, theo Nikkei.

Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt-3

Những người đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: ADB/Richard Atrero de Guzman.

Mỹ đã chính thức tuyên bố hết dịch Covid-19 chưa?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng nới lỏng các hạn chế Covid-19 như ban hành hướng dẫn tương tự cho người dân đã tiêm phòng, chưa tiêm phòng, rút ngắn thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn chưa chính thức tuyên bố đại dịch kết thúc trên đất nước này.

Như vậy có nghĩa Mỹ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tính từ lần tuyên bố đầu tiên vào tháng 1/2020.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) dự kiến tuyên bố này kết thúc vào tháng 10, nhưng sau đó lại quyết định kéo dài đến hết tháng 1/2023.

Các quan chức y tế như điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Ashish Jha, gần đây cũng cho rằng "đại dịch vẫn chưa kết thúc" dù thừa nhận có sự thay đổi lớn trong cuộc chiến chống lại virus.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của ông Biden, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết: "Chúng ta phải sống chung với virus bởi vì sẽ không thể tiêu diệt được nó".

Cách đó một tuần, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng tuyên bố đại dịch "đã đến hồi kết", nhưng vẫn kêu gọi các quốc gia duy trì cảnh giác.

Ông Biden tuyên bố 'đại dịch kết thúc' nhưng thực tế vẫn khốc liệt-4

Người xem ngồi trên khán đài đeo khẩu trang, chứng kiến tiến sĩ Anthony Fauci tung cú ném đầu tiên tại trận đấu bóng chày giữa Seattle Mariners và New York Yankees, vào ngày 9/8 ở Seattle. Ông Fauci là cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden và là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia. Ảnh: Ted S. Warren/AP.

Điều gì đang xảy ra với Covid-19?

SARS-CoV-2, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khiến hơn 6,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Trong đó, tính riêng 2022, con số này là một triệu người. Virus cũng lây nhiễm cho 608 triệu người.

Theo WHO, vaccine cùng phương pháp điều trị đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và số ca tử vong trên toàn cầu do Covid-19 trong tuần trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tại Mỹ, trung bình mỗi ngày, gần 400 người tử vong vì căn bệnh này, theo CDC. Trung bình 4.300 ca phải nhập viện mỗi ngày.

Các hướng dẫn về khẩu trang của CDC kể từ tháng 2 đã khuyến nghị Covid-19 đang ở mức thấp hoặc trung bình. Người dân không cần phải đeo khẩu trang trong nhà.

Giới chức chính phủ Mỹ cũng yêu cầu bỏ khẩu trang ở các tòa nhà liên bang tại Washington và những nơi khác có mức lây nhiễm thấp hoặc trung bình.

Chính phủ liên bang ngừng bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Hầu hết bang, bao gồm cả New York, cũng dỡ bỏ các yêu cầu về khẩu trang khi cố gắng thuyết phục công nhân trở lại văn phòng.

Hầu hết trường học trên toàn quốc bỏ học từ xa và cho học sinh đến trường. CDC cho biết vào tháng trước, họ không khuyến nghị việc cách ly với người tiếp xúc virus, giúp giáo viên và học sinh dễ quay trở lại lớp học hơn.

CDC cũng không còn khuyến cáo những người chưa được tiêm chủng nên cách ly sau khi phơi nhiễm. Khoảng 95% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 hoặc cả hai.

Số ca mắc Covid-19 của Việt Nam bất ngờ tăng trở lại

Sau nhiều ngày có dấu hiệu giảm, số ca mắc Covid-19 của Việt Nam tăng bất ngờ và tiếp tục có thêm một người tử vong.

Covid-19 có thể xuất hiện đầu tiên ở nơi khác, không phải Trung Quốc

Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra dấu vết của nCoV ở những quốc gia khác từ rất sớm, trước khi Trung Quốc báo cáo những ca bệnh Covid-19 đầu tiên.