Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm cả làn da. Da bị tổn thương có thể cảnh báo lượng đường (glucose) trong máu tăng quá cao, là biểu hiện của bệnh tiểu đường chưa được phát hiện hoặc không được kiểm soát hiệu quả. Dưới đây là 12 dấu hiệu trên da cảnh báo căn bệnh này theo Hiệp hội Da liễu Mỹ.
Các vùng da sẫm màu
Các mảng da ở sau cổ, nách, bẹn hoặc một số vùng khác có thể trở nên sẫm màu thường được gọi là bệnh gai đen do lượng insulin trong máu tăng cao. Đây thường là dấu hiệu của bệnh tiền tiểu đường.
Các mảng màu vàng, đỏ hoặc nâu trên da
Viêm teo da tiểu đường (hoại tử mô mỡ tiểu đường) thường bắt đầu từ những sang thương nhỏ trông giống như mụn nhọt. Khi tiến triển, các sang thương này biến thành những mảng tổn thương sưng tấy và cứng, có màu vàng, đỏ hoặc nâu. Phần da quanh các sang thương có thể sáng bóng như sứ, dễ nhìn thấy mạch máu, da ngứa và đau. Dấu hiệu trên da này sẽ phát triển theo chu kỳ gồm xuất hiện - biến mất - tái phát.
Da dày và cứng
Bệnh tiểu đường có thể khiến các vùng da trên cơ thể trở nên dày và cứng. Tình trạng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc tiểu đường khó kiểm soát hoặc đã gặp biến chứng.
Nếu xuất hiện ở mu bàn tay, bệnh nhân sẽ nhận thấy da căng lên, cứng như sáp. Các ngón tay cũng trở nên khó di chuyển. Tình trạng này sẽ nặng dần theo thời gian, lan dần lên vùng cẳng tay và cánh tay. Đôi khi da ở vùng lưng, vai, cổ, ngực và mặt có thể bị ảnh hưởng. Một số trường hợp hiếm gặp, da ở đầu gối, mắt cá chân hoặc khuỷu tay cũng sẽ dày lên, gây khó khăn cho việc duỗi thẳng chân và mũi chân hoặc gập cánh tay.
Da khô và ngứa
Người bệnh tiểu đường có khả năng bị khô và ngứa da do lượng đường trong máu tăng cao, nhiễm trùng da hoặc tuần hoàn máu kém.
Da của người bệnh tiểu đường có thể bị khô, ngứa. Ảnh: Freepik
Da phồng rộp như mụn nước
Dù hiếm gặp nhưng bệnh nhân mắc tiểu đường đôi khi nhận thấy các mụn nước xuất hiện đột ngột trên da. Chúng có thể là một mụn nước to hoặc một chùm mụn nhỏ. Các mụn nước này trông giống vết thương xuất hiện sau bỏng nặng nhưng không đau, có xu hướng hình thành ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hoặc cẳng tay.
Nhiễm trùng da
Bệnh tiểu đường khiến người mắc bệnh dễ bị nhiễm trùng da hơn bình thường. Nhiễm trùng da thường được biểu hiện bởi các triệu chứng như da nóng, sưng, đau, phát ban ngứa, nổi mụn nước li ti, da khô đóng vảy hoặc tiết ra dịch có màu trắng đục. Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào, bao gồm cả kẽ chân, xung quanh móng tay hoặc da đầu. Phụ nữ mãn kinh thường xuyên bị nhiễm nấm âm đạo có nguy cơ cao đã mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
Vết loét và vết thương hở
Đường huyết tăng cao trong thời gian dài gây suy giảm tuần hoàn và tổn thương thần kinh. Các vấn đề này khiến cơ thể khó chữa lành vết thương, từ đó làm bệnh nhân dễ gặp phải các vết loét hoặc vết thương hở lâu lành, nhất là ở chân.
Các đốm và vết lõm trên da
Các vết đốm hoặc vết lõm có màu nâu trên da là một trong các dấu hiệu cảnh báo tiểu đường. Chúng thường xuất hiện ở cẳng chân nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân cũng nhận thấy các đốm và vết lõm trên cánh tay, đùi, thân người hoặc các vùng khác trên cơ thể. Nhiều người thường nhầm lẫn tình trạng này với đốm đồi mồi. Tuy nhiên, các đốm và vết lõm do tiểu đường gây ra thường bắt đầu mờ đi sau 18-24 tháng, đôi khi tồn tại lâu hơn trên da.
Các nốt nhỏ, màu vàng hoặc đỏ
Các nốt nhỏ xuất hiện trên da của người bị tiểu đường có hình dạng khá giống mụn nhọt nhưng khi phát triển có màu vàng hoặc đỏ nhạt. Chúng mềm và ngứa, thường được tìm thấy ở mông, đùi, khuỷu tay hoặc mặt sau đầu gối.
Sẩn màu da hoặc đỏ
Các nốt sẩn này có tên gọi là u hạt vòng, gặp phải ở cả người bệnh tiểu đường và người bình thường. Người bị tiểu đường có thể bị u hạt vòng trên các vùng da rộng và dễ bị tái phát nhiều lần. Khi gặp tình trạng này, bạn nên đi xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường sớm.
Vảy vàng ở trên và xung quanh mí mắt
Vảy vàng quanh khu vực mắt có thể phát triển khi lượng mỡ trong máu tăng cao. Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường chưa được phát hiện hoặc chưa được kiểm soát hiệu quả.
Mụn thịt, u mềm treo
Nhiều người bị tiểu đường xuất hiện các mụn thịt có cuống trên mí mắt, cổ, nách và bẹn. Dù vô hại nhưng tình trạng này là một trong những dấu hiệu cho thấy lượng insulin trong máu tăng cao hoặc nguy cơ tiểu đường tuýp hai.
Khi gặp 12 dấu hiệu trên và các dấu hiệu bất thường khác, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị tiểu đường kịp thời.
Phương Quỳnh (Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ )
Cách hạn chế đường huyết tăng cao vào buổi sáng
Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến viêm da cơ địa
Ăn sáng trước 8h30 giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường