Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế. Ảnh: TL
Vấn nạn nghiêm trọng
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), khoảng 21 giờ 2 phút ngày 27/7, khoa Cấp cứu của bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp bé gái 10 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh (đi cùng người nhà là bố của bé gái) đến cấp cứu vì hóc xương cá. Qua thăm khám ban đầu nghi ngờ bé bị mắc xương cá, ghi nhận khi vào viện ổn, đo chỉ số SPO2 98%, về biểu hiện lâm sàng bé không có dấu hiệu khó thở và vẫn trả lời bác sĩ được. Ê kíp trực đã cho bé gái vào vị trí chờ để đưa lên khoa Tai - Mũi - Họng chuẩn bị tiến hành nội soi lấy dị vật.
Tại thời điểm này khoa Cấp cứu có đông bệnh nhân và nhiều bệnh nhân cũng mới nhập viện nên ê kíp trực vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thăm khám cho các ca bệnh nặng hơn. Trong thời gian chờ, bố của bé gái đến trao đổi với bác sĩ P.H.T. và không đồng thuận với những giải thích trên của bác sĩ và có hành động bóp cổ bác sĩ T..
Ngay lập tức, các nhân viên y tế và bảo vệ đã nhanh chóng can ngăn bố của bé. Khoa Cấp cứu tiến hành khởi động quy trình báo động an ninh trật tự khẩn cấp (Code Grey) cấp độ 2 (vì không có hung khí) và tăng cường bảo vệ cho khoa Cấp cứu, tiếp tục trấn an bố của bé và bác sĩ T..
Trước tình hình này, bác sĩ trực đã cố gắng giải thích nhưng bố của bệnh nhi vẫn xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip. Ngay sau đó, bảo vệ của bệnh viện kịp thời có mặt, ngăn chặn hành vi hành hung bác sĩ.
Trường hợp nói trên đang khiến nhiều bức xúc trong dư luận trong những ngày qua. Theo TS. BS Lê Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, tình trạng nhân viên y tế gặp phải bạo hành bằng nhiều cách, có thể bằng hành động, có thể bằng lời nói không phải là mới và cũng không phải là chỉ ở một vài cơ sở y tế nhất định. Thậm chí những bệnh viện tuyến trung ương cũng đã từng gặp những trường hợp như vậy.
Bác sĩ Cường cho rằng, những vụ việc bạo hành như vậy gây ảnh hưởng rất lớn tới bộ phận nhân viên y tế, đặc biệt là các y, bác sĩ đã trải qua việc bị bạo hành. Ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của người bị bạo hành và sức khỏe của các bệnh nhân khác do bác sĩ đó đảm nhiệm việc cấp cứu, chăm sóc. “Tôi cho rằng, đây là vấn nạn hết sức nghiêm trọng và để lại những tiền lệ rất xấu nếu không có những giải pháp cụ thể’- bác sĩ Cường cho biết và giải thích, cần hiểu rõ, các y bác sĩ thực hiện khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu theo quy trình được quy định rất rõ ràng của Bộ Y tế. Các y, bác sĩ đánh giá đối tượng cứu chữa theo mức độ ưu tiên về tính mạng chứ không phải về dịch vụ. Bởi vậy, người dân vào viện có nhu cầu được khám chữa bệnh sớm, nhưng đối với nhân viên y tế, cần phụ trách cho tính mạng của rất nhiều bệnh nhân khác nữa.
Sớm bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua tình hình bạo hành đối với nhân viên y tế đã gia tăng ở mức báo động. Ví dụ như chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay tại Bệnh viện Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp hình sự bị bắt quả tang; còn Bệnh viện Thanh Nhàn riêng trong năm 2016 có 8 trường hợp nhân viên y tế bị hăm doạ, hành hung (tất nhiên các con số này chỉ là rất nhỏ so với thực tế vì rất nhiều các trường hợp không báo cáo, thống kê). Đã có nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng, đã có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ giết người… Không thể phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế, chính quyền địa phương, Bộ Công an như việc cắt cử các chiến sĩ công an trực 24/24h ở các bệnh viện lớn, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động, tập huấn các bộ phận chức năng trong việc phòng, chống bạo hành y tế… Tuy nhiên, tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao dẫn đến hậu quả là số vụ bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng.
Việc bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị. Trên thế giới, một số quốc gia đã có luật phòng, chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản của các cơ sở dịch vụ y tế mà tiêu biểu là luật của bang Masharashtra, Ấn Độ ban hành ngày 30/3/2009.
Theo ông Hiếu, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2013 đang được trình quốc hội để góp ý và biểu quyết có điều 134 về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ của người khác có nhấn mạnh rất nhiều tình tiết tăng nặng như gây thương tích cho các đối tượng người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau, ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình … (khoản 1 điều 134 mục d, đ) nhưng không hề nhắc đến những người đang trực tiếp chăm sóc sức khỏe, cứu sống tính mạng mình. Ngành y tế cũng không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ vì hiện nay các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, các cán bộ y tế không còn là công chức nên khi hành nghề không được coi là đang thi hành công vụ. Không thể để bệnh viện là nơi mà tính côn đồ được lộng hành vì ngay cả trong nhà hàng, bến xe khi hành động bạo hành xảy ra các nhân viên, cán bộ cũng có thể sử dụng vũ lực chống trả nhưng với những người thầy thuốc đang khoác chiếc áo blue trắng thì việc cởi áo ra để tự vệ thật không hề dễ dàng.
“Với tính thời sự cấp bách, để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng, tinh thần của các cán bộ y tế những người đang ngày đêm trực tiếp làm công việc cứu chữa bệnh nhân, tôi xin kính đề nghị Quốc hội có lộ trình xem xét, thảo luận việc ban hành luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế hoặc chí ít có một điều luật nằm trong bộ luật hình sự đang chỉnh sửa”- ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định của người nhà bệnh nhân hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo điểm d, khoản 4, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP: d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; và điểm b, khoản 5, Điều 7, Nghị định này (b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương); và mức phạt tiền tối đa cho cả hai chế tài là 13.000.000 đồng.