Trang Chủ > Sức khỏe > Các yếu tố nguy cơ gây ung thư xoang mũi

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư xoang mũi

VnExpress
02/08/2022 06:46:58

Ung thư xoang mũi là một bệnh lý nguy hiểm với khối u hình thành ở khoảng trống quanh mũi (bộ phận sản xuất chất nhầy, đờm) hoặc khoảng trống sau mũi (nơi không khí di chuyển đến phổi). Dấu hiệu ung thư xoang mũi dễ khiến người bệnh nhầm với các vấn đề về mũi, xoang thông thường.

Bệnh nhân ung thư xoang mũi thường không có triệu chứng điển hình trong giai đoạn đầu mắc bệnh. Khi khối u phát triển, tình trạng tắc nghẽn xoang mũi gia tăng, áp lực xoang lớn. Người bệnh có thể sổ mũi, đau đầu, chảy máu cam, ê buốt răng, đau tai, khứu giác kém, chảy nước mắt liên tục...

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư xoang và khoang mũi có thể liên quan đến tổn thương trong tế bào. Không phải tất cả các bệnh ung thư xoang đều có nguyên nhân rõ ràng nhưng nghiên cứu cho thấy một số yếu tố môi trường, nhất là tiếp xúc nhiều với một số hóa chất công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư xoang mũi.

Nếu bạn làm việc trong khu vực thường xuyên hít thở các chất như bụi, bột mì hoặc hóa chất thì có thể có nguy cơ cao bị ung thư xoang và khoang mũi. Các chất như bụi gỗ, bụi da, hợp chất niken, sản xuất cồn, radium... có tỷ lệ gây ung thư mũi và xoang cạnh mũi cao hơn. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Nam giới trên 40 tuổi dễ mắc ung thư xoang và hốc mũi. Trong một số trường hợp hiếm hoi, loại virus này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xoang.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư xoang mũi-1

Người bị ung thư xoang mũi có thể bị nghẹt, chảy nước mũi... Ảnh: Freepik

Ung thư xoang được phân loại theo loại tế bào liên quan như sau:

Ung thư biểu mô tế bào vảy: là loại ung thư xoang phổ biến nhất, bắt nguồn từ các tế bào lớp bề mặt của đầu hoặc cổ. Nếu ung thư chỉ giới hạn trong lớp tế bào phẳng, trên cùng được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Nếu các tế bào này tiếp tục nhân lên, chúng có thể xâm lấn sâu hơn vào các mô và trở thành ung thư biểu mô tế bào vảy xâm lấn.

Ung thư biểu mô tế bào nang adenoid: loại ung thư hiếm gặp này xảy ra ở các tuyến bài tiết của xoang cạnh mũi.

Ung thư biểu mô tế bào acinic: loại ung thư này phát triển trong các tuyến nước bọt, nhất là ở các tuyến mang tai, nằm ở má bao quanh xương hàm trước tai.

Ung thư biểu mô không biệt hóa ở xoang mũi: khi các tế bào ung thư xoang đột biến đến mức khó xác định được chúng là loại tế bào nào, được gọi là ung thư biểu mô không biệt hóa ở xoang mũi.

U nguyên bào thần kinh khứu giác: là một khối u ác tính hiếm gặp phát sinh trong khoang mũi.

Nếu các triệu chứng của xoang mũi xuất hiện nhiều lần, bệnh nhân cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán dựa trên tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh lý, chụp X- quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm xác định vị trí khối u, nơi ung thư di căn. Sau đó, bác sĩ sẽ sinh thiết xác định mức độ mắc ung thư.

Tùy vào mức độ mắc bệnh, tốc độ tiến triển của tế bào ung thư, bác sĩ sẽ khám, đánh giá tình trạng tê, đau, sưng ở vùng mặt, thị lực của người bệnh. Vùng cổ có hạch, sưng là dấu hiệu điển hình của ung thư xoang mũi. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp như:

Phẫu thuật: nội soi hoặc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu qua mũi là một lựa chọn loại bỏ khối u phổ biến cho người bệnh.

Bức xạ: bức xạ năng lượng cao được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc phá hủy các mảnh nhỏ của khối u có thể còn sót lại sau khi phẫu thuật.

Hóa trị: thuốc được tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống, có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư khắp cơ thể. Hóa trị bổ trợ hoặc hóa trị sau phẫu thuật có thể giảm nguy cơ ung thư quay trở lại sau phẫu thuật.

Ba phương pháp điều trị trên đều có tác dụng phụ. Vì thế, bệnh nhân cần chú ý theo dõi cơ thể, ghi chép những dấu hiệu bất thường thông tin cho bác sĩ để sử dụng thuốc, chọn phương pháp điều trị phù hợp, giảm tối đa tác dụng phụ. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh bổ sung nhằm kết luận tế bào ung thư đã được điều trị dứt điểm hay chưa. Dù khỏi bệnh nhưng người từng mắc ung thư cần kiểm tra thường xuyên bởi tế bào ung thư vẫn có khả năng phát triển trong cơ thể.

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân được tính toán dựa trên những người mắc bệnh và các giai đoạn phát triển ung thư. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân nên phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trường hợp ung thư phát triển nhanh hoặc lan rộng, người bệnh có thể cần kết hợp nhiều liệu pháp điều trị thay vì phẫu thuật.

Minh Thúy
(Theo Webmd, Very Well Health )