Trang Chủ > Sức khỏe > Nhiều bệnh viện thiếu thuốc vì bất cập trong đấu thầu?!

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc vì bất cập trong đấu thầu?!

Ngày Nay
26/06/2022 12:26:22

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo gia hạn cho 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm: 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6/2022… Cùng với đó là thuốc điều trị thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau... Đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn hơn một nửa trong số gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn cho đến cuối năm nay. Mặc dù vậy, không ít bệnh viện vẫn lo ngại về vấn đề không có đủ thuốc.

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc vì bất cập trong đấu thầu?!-1

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trần Văn Phúc, BV đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, suốt một năm qua có nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư. Theo ông, hình thức đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. “Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các BV sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo. Vậy nên, cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch” – bác sĩ Phúc phân tích.

Trong Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu QH đã đề cập đến vấn đề này. Trước tình trạng không ít BV công trên cả nước thiếu thuốc, thiết bị y tế, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội cho biết, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ĐB thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, người dân, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm. ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp để khắc phục ngay như: Các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, ĐB Quốc hội Đoàn Bình Định đã đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể, sớm hoàn thiện dự thảo Luật KCB sửa đổi trong kỳ này và thông qua ở kỳ tiếp theo. Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định, các bộ sớm ban hành thông tư để tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế.

Phong Châu