Thực trạng cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc ở bệnh viện công khu vực Tây Nguyên đã âm ỉ nhiều năm nay. dịch COVID-19 ập đến như “chất xúc tác” khiến “làn sóng” nghỉ việc tăng cao đến mức báo động.
Ngành Y tế Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn
Làn sóng nghỉ việc đã được cảnh báo
Ông Nguyễn Đại Phong- Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (BVV Tây Nguyên) cho biết, từ năm 2019 đã xuất hiện tình trạng cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Khi ấy, đơn vị của ông mới có vài trường hợp nghỉ việc, tuy nhiên, bản thân ông đã nhận thấy những bất cập trong việc thu hút, giữ chân cán bộ nhân viên y tế. Do đó, ông đã gửi công văn hỏa tốc đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và các ban ngành liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng hơn 4 năm qua, mọi việc vẫn không thay đổi.
“Lương 1 bác sĩ mới ra trường cũng bằng cử nhân. Việc đào tạo 1 bác sĩ tốn rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Để trở thành bác sĩ, họ phải học 6 năm đại học, thêm 18 tháng thực hành đa khoa rồi tới chuyên khoa mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, 1 cử nhân chỉ học 4 năm đại học đã có thể đi làm”, ông Phong phân tích.
Theo ông Phong, từ năm 2021 đến nay, tại BVV Tây Nguyên có hơn 70 cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc. Ngoài lý do lương thấp, nhiều trường hợp rời bệnh viện vì nơi làm việc khá xa trung tâm, thời gian làm việc nhiều (thời điểm dịch COVID-19, hầu như đội ngũ y tế làm việc 24/24 giờ), áp lực công việc cao…Đặc biệt, sự ra đời của các bệnh viện tư với cơ chế đãi ngộ hấp dẫn cũng là 1 trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người rời bệnh viện công.
“bệnh viện được giao tự chủ tài chính ở mức 2 từ năm 2017. Những năm trước, đơn vị còn nguồn thu nhập thêm để chi trả phụ cấp, thưởng cuối năm cho anh em; nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19, mọi nguồn lực đều dồn cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 3 tại chỗ. Đến nay đã hơn 2 năm, bệnh viện chưa được thanh toán lại khoản tiền đã ứng ra trước đó”, ông Phong thông tin.
Để giữ chân đội ngũ y tế, ông Phong cho hay, cần có cơ chế trả lương riêng cũng như chính sách thu hút các y, bác sĩ vì hiện một số tỉnh, thành đã có cơ chế này. Thực tế, nhiều trường hợp được nhà nước cấp kinh phí đi đào tạo nhưng khi trở về họ tìm “bến đỗ” mới, sẵn sàng hoàn trả học phí nên cũng cần có quy định xử lý những trường hợp này một cách quyết liệt hơn.
“Theo quy định hiện nay, 1 bác sĩ học đa khoa khi ra trường phải thực hành đa khoa thêm 18 tháng tại bệnh viện. Sau đó, họ mới được đi học chuyên khoa 1, 2. Quy định thực hành đa khoa 18 tháng chẳng khác nào bắt các bác sĩ đa khoa dạo chơi thêm 1 năm rưỡi, lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc”, ông Phong nói và kiến nghị Bộ Y tế nên điều chỉnh quy định về bất cập này.
Các y, bác sĩ làm việc vất vả nhưng chế độ, lương bổng thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc. ẢNH: Tiền Lê
Khó khăn trong tự chủ tài chính
Tại Gia Lai, thống kê của Sở Y tế tỉnh này cho thấy, từ năm 2021 đến nay, ngành y tế địa phương có 61 người nghỉ việc (24 bác sĩ), tinh giản biên chế 22 (2 bác sĩ), nghỉ hưu 46 (13 bác sĩ)… Hiện, ngành Y tế tỉnh này đang thiếu 1 giám đốc sở, 7 cấp trưởng các đơn vị (đang được giao phụ trách), 15 cấp phó các đơn vị.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai thông tin, toàn tỉnh có 27 đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao quyền tự chủ tài chính; 4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động; 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa đang gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn thu.
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên nghỉ việc
Giám đốc một Trung tâm y tế cấp huyện ở Gia Lai chia sẻ: “Từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm mạnh đã tác động đến nguồn thu và kinh phí hoạt động của Trung tâm. Bởi vậy, đơn vị không đủ kinh phí chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức. Đặc biệt, chúng tôi gặp khó trong việc thu hút, giữ chân các bác sĩ giỏi”.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế Gia Lai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu sở này nhanh chóng củng cố, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị trực thuộc theo quy định.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, nhân viên y tế, nhất là đối với y, bác sỹ công tác ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Riêng về tự chủ của các đơn vị, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tỉnh này đánh giá đầy đủ, nghiêm túc việc giao và thực hiện tự chủ của các bệnh viện, trung tâm y tế; nghiên cứu, đề xuất giao tự chủ trong thời gian tới cho các đơn vị trực thuộc phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
Người trong cuộc nói gì?
Trải lòng lý do rời bệnh viện công để “đầu quân” cho bệnh viện tư, một bác sĩ, cán bộ công tác lâu năm trong ngành y tế ở Đắk Lắk (xin được giấu tên) chia sẻ, lương thấp chưa phải là yếu tố đầu tiên quyết định sự ra đi. Bởi nếu chỉ vì tiền, họ sẽ không chọn nghề y ngay từ đầu. Y tế không chỉ là nghề mà còn gắn nghiệp với những người đã chọn. Lý do vị này rời đi vì muốn có một môi trường làm việc năng động, linh hoạt với đầy đủ các thiết bị hiện đại, cơ chế để có thể cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Một môi trường thuận lợi để họ được khẳng định mình với nghề, với xã hội. Đấy là những thứ mà ở môi trường bệnh viện công khó đáp ứng. Điều cuối cùng mới là chế độ đãi ngộ, do đó, vị này mong muốn Nhà nước cần có cơ chế chính sách đáp ứng tốt đời sống của cán bộ ngành y để họ yên tâm công tác.
“Trung tâm y tế nơi tôi từng làm việc đã có gần chục người nghỉ làm. Đa phần là cự cãi, không hợp quan điểm với lãnh đạo. Còn chuyện tình ra sao thì quả thực rất khó nói. Cá nhân tôi thì nghỉ việc để đi làm ở bệnh viện tư do chế độ đãi ngộ tốt hơn”, anh N.V.T., một bác sĩ công tác trong ngành y tế Gia Lai cho hay.
Nguồn Tin: